Tứ tuyệt “Quân hành” của Lí Bạch – bản dịch và lời bình
shared https://giangnamlangtu.wordpress.com/2011/08/13/tim-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-%E1%BB%9F-%E1%BA%A9n-khong-g%E1%BA%B7p/#more-744
19.12.2014
Phùng Hoài Ngọc
军 行
骝马新跨白玉鞍
战罢沙场月色寒
城头铁鼓声犹震
匣里金刀血未干
Quân hành
Lưu mã tân khóa bạch ngọc an
Chiến bãi, sa trường nguyệt sắc hàn
Thành đầu thiết cổ thanh do chấn
Hạp lí kim đao huyết vị can
Bài ca người lính
Ngựa xích thố vừa mới thay yên đeo bạch ngọc
Chiến trận ngừng, ánh trăng lạnh lẽo trên sa trường
Đầu thành, tiếng trống còn nghe dư âm
Trong hộp, lưỡi kiếm quí còn dính máu
Lời bàn
“Lưu mã” là giống tuấn mã, lông hồng, đuôi đen bờm đen, trong số hơn 30 loài ngựa khác nhau ở Trung Quốc. Loại ngựa quí hiếm này có hai màu đen và đỏ trông đẹp lộng lẫy, vẻ uy nghi và dữ tợn. Có người gọi là ngựa xích thố. “Hành” là một thể hát cổ.
Câu 1. “Ngựa xích thố vừa mới thay yên đeo bạch ngọc”
Tả con ngựa quí phái, đắt tiền, trang điểm lộng lẫy. Tuy không một chữ tả người, nhưng ta có thể suy đoán ra chủ nhân của con ngựa này, hẳn phải là một trang hiệp sĩ quí tộc, chẳng phải một lính thường. Anh ta chuẩn bị con ngựa lên đường ra trận như đi trảy hội, biểu tỏ thái độ háo hức ra trận lập công.
Câu 2. “Chiến trận ngừng, ánh trăng lạnh lẽo trên sa trường”
Đột ngột báo rằng chiến trận đã ngừng, ánh trăng trên sa trường lạnh lẽo. Vẫn chưa tả người. Có lẽ chết cả rồi, chết nhiều đến nỗi tử khí thây ma bốc lên lạnh cả ánh trăng. Lòng người còn sống cũng trở nên lạnh lẽo.
Câu 3. “Đầu thành, tiếng trống còn nghe dư âm”
Bây giờ mói hé ra tâm trạng một con người. Hẳn đó là chủ nhân của con ngựa quí, anh ta may mắn sống sót. Anh ta vẫn bàng hoàng, trong đầu còn dư âm tiếng trống trận khủng khiếp…
Câu 4. “Trong hộp, lưỡi kiếm quí còn dính máu”
Thanh kiếm cũng quí, chuôi khảm vàng bạc (kim đao) dính máu dơ bẩn đã nhét vội vào vỏ kiếm. Sao anh không lau chùi sạch máu rồi hãy đặt vào hộp đàng hoàng, như trước khi ra trận con ngựa được trang điểm đẹp đẽ nhường kia ? Tâm trí anh đã thay đổi rồi. Cái đẹp còn ý nghĩa gì nữa trên xương máu ngổn ngang ! Cuối bài thơ không nhắc tới con ngựa quí nữa, nó đã chết rồi ! Có thể người ta sẽ lột da nó để bọc thây đồng đội mà vùi chôn.
Chủ nhân bàng hoàng, tiếc rẻ con ngựa, hoang mang khiếp hãi về cuộc chiến tàn khốc vừa rồi. Bốn câu thơ không một chữ tả sự xung đột đẫm máu ! Nhà thơ không chịu dành một câu thơ nào cho sự đâm chém điên cuồng của con người trong chiến tranh. Quan điểm nhân sinh của Lí Bạch thật độc đáo. Tư tưởng nhân đạo của ông cao vời vợi, nghệ thuật thi ca của thi nhân kỳ thú hơn người. Có lẽ đây là bài thơ phản chiến ngắn nhất và hay nhất của mọi thời đại.
Dịch thơ
Cưỡi ngựa tứ lưu, yên bạch ngọc,
Sa trường ngưng chiến lạnh trăng cao.
Trống trận còn vang đầu thành vắng,
Đao vàng trong hộp máu chưa khô.
(Phụng Hà dịch thơ)
Bản dịch tiếng Anh
A song of soldier
A buck horse with a new saddle changed and pearls fixed.
The battle finished, the cold moon’s on the battlefield
The sound of drums from the citadiel echoing in the soldier’s mind
In the box of the golden sword, blood is still fresh
(PHN dịch)
Mời bạn thư giãn với bài thơ cổ:
“Tầm ẩn giả bất ngộ” của nhà thơ Giả Đảo
Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn: sư thái dược khứ,
chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ
Tạm dịch:
Dưới gốc tùng hỏi em bé.
Em nói: thầy đi hái thuốc rồi,
Chỉ tay vào núi rừng.
Mây dày chẳng biết (thày) ở chỗ nào.
Quí vị nào thích đọc nguyên bản chữ Hán thì đây:
寻隐者不遇
松 下 问 童 子
言 师 采 药 去
只 在 此 山 中
云 深 不 知 处
Lời bàn: Sau đó nhất định nhà thơ sẽ gặp ẩn sĩ. Đôi bạn tri âm tái ngộ chốn lâm tuyền.
Bình tranh vẽ : Dưới cành tùng lâu năm la đà, em bé đang đi chăn ếch. rất hài hước. Chưa nghe nói buộc ếch đi chơi, dây buộc vào cổ ếch thì buộc chỗ nào nhỉ? Thắc mắc vô ich vì đó lá em bé ! Trò chơi như vậy mới là trò của “em bé”, tư duy của em bé.
Thưởng thức hai bài thơ tam tuyệt của nữ sĩ Băng Tâm *[1]
Phùng Hoài Ngọc biên dịch
Hoa góc tường
墙角的花
你孤芳自赏时
天地便小了
| Qiáng jué de huā
nǐ gū fāng zì shǎng shí
tiān dì biàn xiǎo liǎo
|
Phiên âm Hán Việt
Tường giác đích hoa
Nhĩ cô phương tự thưởng thì
Thiên địa tiện tiểu liễu
Dịch
Hoa nép góc tường
Khi em tự biết mình thanh cao.
thiên địa vui nhỏ lại
Lời bàn: Một bông hoa ở góc tường trong vườn, thiếu nắng ngày ít sương đêm, có thể nhan sắc khiêm tốn, không cần đua tranh với những bông hoa giữa vườn no say nắng mưa và rực rỡ. Em biết mình và vui với vẻ đẹp của mình. Vậy nên, trời đất thu nhỏ lại, phù hợp với hoa nhi.
Chân lý ở đâu
真理
在婴儿的沉默中
不在聪明人的辩论里
|
Phiên âm la tinh
Zhēn lǐ
zài yīng er de chén mò zhōng
bù zài cōng míng rén de biàn lùn lǐ
Phiên âm Hán Việt
Chân lý
tại anh nhi đích trầm mặc trung
bất tại thông minh nhân đích biện luận lý
Dịch
Chân lý
Ở chỗ em bé suy nghĩ trầm lặng
Chẳng phải ở nơi những người thông minh tranh luận.
Lời bình
Mạnh tử viết: “Đại nhân giả bất thất kỳ xích tử chi tâm”
“大人者不 失其 赤子之心”
(sách Mạnh tử thư 385–303 BC)
dịch nghĩa: Bậc đại nhân chớ làm sai khác tấm lòng em bé.
Câu văn cổ này có hai cách hiểu: Mạnh tử khuyên người lớn nên sống vô tư như em bé hoặc là người lớn đừng làm mất lòng em bé. Tiếp thu quan điểm cổ nhân, nữ sĩ Băng Tâm bày tỏ sự ưu tiên cho “em bé trầm tư” hơn là “người lớn thông minh”.
Chú thích:
[1] . Nữ nhà văn Băng Tâm (1900-1999). nguyên phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc..
Thơ haiku được gọi là thơ tam tuyệt ở Trung Quốc. Bà chỉ đặt tựa đề bài thơ bằng con số trong suốt cả tập thơ. Người dịch tự đặt tựa theo kiểu thông thường.
[2] . Bài số 33 – Xuân thủy thi tập
[3] .Bài số 43- Phồn tinh thi tập.
PHN
Nhân ngày 26/3 (kỷ niệm Đoàn thanh niên CS HCM thành lập)
Giang Nam lãng tử
Đăng U Châu đài ca
“Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ ”
dịch:
Bài ca lên đài U Châu
“Ngó trước không thấy Người xưa
Nhìn về sau, chưa thấy Người mới tới
Nghĩ trời đất mênh mông chơi vơi
Một mình thương cảm, bỗng nhiên nước mắt rơi xuống”
Đài U Châu thời Đường chỉ là một thành trì nhỏ, về sau được xây dựng thành Bắc Kinh.
Trần Tử Ngang (661–702) tự Bá Ngọc là một viên quan dưới thời Võ Tắc Thiên, đỗ tiến sĩ lúc 23 tuổi (thời ấy kỳ cục thiệt, thi tiến sĩ mà không có người nào hướng dẫn ?!). Nhà thơ sống cuối thời Sơ Đường, tiên phong trong việc yêu cầu sáng tác phải có “ký thác”. “Kí thác” tức nói lên suy ngẫm của mình trước hiện thực đời sống, lìa bỏ hẳn thơ sắc tình và ca công tụng đức. Nói rõ hơn, Trần tiên sinh đòi hỏi thi ca phải có lý tưởng cao cả, phải gắn với hiện thực cuộc sống (Sau này lối thơ ký thác của họ Trần ảnh hưởng tới sáng tác của các thi gia hàng đầu như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị)
Trong các nền văn chương cổ điển có những “dấu hiệu chung” gọi là “mã nghệ thuật”, các nhà văn thơ có thể dùng chung. “Đăng cao” (lên cao) là một trong nhiều mã nghệ thuật của Đường thi. “Chiều cao” của không gian được gợi ý một tư tưởng, lý tưởng cao cả. Đỗ Phủ viết bài thơ “Đăng cao” (Trèo lên cao), Lí Bạch viết bài “Độc tọa Kính Đình sơn” (Ngồi một mình trên đỉnh núi Kính Đình), Thôi Hiệu viết bài “Hoàng hạc lâu”, Trần Tử Ngang viết “Đăng U châu đài ca” (Bài ca trèo lên đài U châu).v.v…. cho đến ông Hồ Chí Minh vừa ra khỏi nhà tù Quảng Tây cũng thích “đăng cao” (Tân xuất ngục học đăng sơn): “Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh / trông lại trời Nam nhớ bạn xưa” (Bài chót của Nhật ký trong tù). “Lên cao, trèo cao” chỉ là tưởng tượng, ước lệ, chứ thực ra thi nhân ngồi ở thư phòng, nằm trong lữ quán mà viết thơ… Nếu không hiểu được “mã nghệ thuật đăng cao”, bạn đọc dễ lạc đường khi đọc thơ và bình luận, sẽ thành một văn bản phóng tác.
Trên cơ sở đó chúng ta đọc- hiểu bài “Đăng U châu đài ca”.
Bài thơ viết theo cấu trúc (5.5.6.6) chủ yếu thuộc loại thơ cổ phong và đang tiến gần tới dạng tứ tuyệt Đường thi.
Thi nhân trèo lên đài cao để tìm người, chẳng phải để hóng gió hay ngoạn cảnh..
Tìm ai ?
Tìm một người tương tự như “cổ nhân” viết hoa, tức một triết gia, một anh hùng hay một minh quân (có thể như vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ…), tóm lại là tìm một ngọn cờ để hướng theo. Nhưng buồn thay “tiền bất kiến cổ nhân”. Thực ra, nhà thơ tìm mãi ở đời này mà chẳng thấy có ai được như cổ nhân.
Nhà thơ lại hy vọng một mẫu người mới (“lai giả” – viết hoa), lai giả có thể khác với cổ nhân, sẽ là nhân vật lý tưởng cho thời đại mới. Nhưng than ôi «hậu bất kiến lai giả » !
Nhìn mãi trước sau chưa thấy nên rơi thầm nước mắt.
Lãng tử nghĩ rằng bài thơ mang cảm hứng lớn, cảm hứng đất nước. Cái người mà nhà thơ trông đợi ấy phải là một nhân vật lý tưởng của thời đại, lãnh tụ, bậc anh hùng cái thế, minh quân của đất nước. Tìm mà noi theo mẫu mực truyền thống (cổ nhân), hoặc là một hình mẫu con người mới (lai giả) thì đều tốt.
Trần thi nhân nghĩ về vận mệnh đất nước hơn là buồn thân phận cá nhân. Nỗi cô đơn của ông là tâm sự của một người ưu thời mẫn thế, không phải một kẻ cô đơn thiếu bạn hữu, thiếu bạn tình.
Nhà thơ đứng trên đài cao, khoảng giữa Trời và Đất, khoảng giữa Quá khứ và Tương lai. Nhà thơ hiện ra như một nhân vật có tầm vóc vũ trụ, chẳng phải kẻ rỗi hơi đi tìm mưa hóng gió.
Chế Lan Viên có lẽ là khách tri âm của Trần Tử Ngang khi viết:
“Ôi thương thay những thế kỉ vắng anh hùng
Những thế kỉ thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận”
(“Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”).
Phải chăng Chế Lan Viên viết cùng một cảm hứng lớn lao như Trần Tử Ngang ? Có điều nhà thơ Việt Nam nói rõ ràng trực tiếp mà thiếu kín đáo như Trần Tử Ngang. Mặt khác họ Chế viết vậy là để gây không khí chuẩn bị đón sự ra đời của nhân vật Nguyễn Ái Quốc ở cuối bài thơ ca công tụng đức. Thế mới biết họ Chế chẳng bao giờ sánh được với tiền nhân.
Lại nhớ Bài ca Xuân 61 của Tố Hữu có đoạn:
«Chào 61 đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu »
Tố Hữu cũng là một người am hiểu Đường thi nhưng y đã trở thành một kẻ đạo văn siêu hạng ! Tứ thơ Tố Hữu hoàn toàn copy tứ thơ Trần Tử Ngang, ông ta coi năm 1961 (sau Đại hội Đảng III 1960) như một cái U châu đài, để ông ta trèo lên, ngạo nghễ hát bài ba hoa khoác lác.(Theo cách phán xét sơ thẩm của Lãng tử thì nhà thơ Tố Hữu xứng với bản án công 3 tội 7, coi như y đi buôn bị lỗ).
Bài thơ của Trần Tử Ngang có thể gieo vào bạn đọc những cảm xúc, liên tưởng bất ngờ khác nhau, tuy nhiên khó tránh khỏi có người lạc lối hoặc tầm thường hóa bài thơ.
Lãng tử chợt thấy mình cũng rơi vào tâm trạng Trần tiên sinh. Năm 2013 liệu có xuất hiện «cổ nhân » hay « lai giả » đủ tâm đủ tầm làm thay đổi đất nước Việt Nam trì trệ và đau thương này không ? Bao giờ ?
Lãng tử chỉ biết loay hoay với cảm nhận bài thơ kinh điển và suy ngẫm lan man, xin chia sẻ cùng bạn hữu.
Giang Nam lãng tử
An Giang 27/3/2013
Đôi lời giới thiệu khách văn chương
Sau khi đọc bài thơ “Tầm ẩn giả bất ngộ” trên my Blog (bấm xem nguyên tác Hán tự : https://giangnamlangtu.wordpress.com/about/), Nguyễn Đại Hoàng tiên sinh gửi cho Lãng tử bài bình luận, thưởng thức, cảm thấy rất kỳ lạ, Lãng tử bèn vội đăng lên.
GNLT
CẢM NHẬN BÀI THƠ “TẦM ẨN GIẢ BẤT NGỘ”
MÂY NÚI ĐÃ NGÀN NĂM …
Nguyễn Đại Hoàng
Bài Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ là một tuyệt tác !
4 câu và 20 chữ đủ làm cho tên tuổi Giả Đảo đứng vững vài ngàn năm nữa. Thế nhưng cái hay của bài thơ đâu phải vì độ ngắn của nó. Hoặc có thể nó ngắn nhưng không nhỏ ! Nó rất lớn !
Bài thơ có vẻ như một loại vật chất được tinh lọc và nén rất chặt thành ra hình dạng biểu kiến là rất gọn gàng.Và khi được thả vào một môi trường thích hợp nó lại nở bừng và có khuynh hướng tìm về nguyên trạng như nó vốn có. Đó có thể coi như một sự đàn hồi của thơ !
Thế nhưng không giống với sự đàn hồi trong vật lý – loại đàn hồi có thể đạt tỉ lệ 100% – sự đàn hồi trong thơ thường chỉ là x % thôi !
Và sự biến thiên của x tùy thuộc vào môi trường mà bài thơ được thả vào. Tức là tùy thuộc vào độ cảm thụ của mỗi chúng ta. Và độ cảm thụ của mỗi người trong chúng ta luôn khác nhau nên x trong chúng ta sẽ khác nhau !
Hệ quả là cùng một bài thơ có hàng trăm cách hiểu khác nhau, tức là hằng trăm bản dịch khác nhau. Đó cũng là trường hợp của bài Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ. Hãy xem nguyên tác (phiên âm Hán Việt) :
Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn: sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ
Một bài thơ ngẳn ngủi mà có tới 3 nhân vật ( đồng tử , sư và khách ), 4 thiên nhiên : (tùng, dược, sơn, vân), 3 tĩnh từ (hạ, trung, thâm) và đặc biệt có tới 7 động từ (vấn, ngôn, thái, khứ, chỉ, tại, tri) ! 7 động từ cho 20 từ ! Có bài thơ ngắn tương đương nào có tỉ lệ động từ cao như vậy chưa ? Và càng nhiều động từ thì càng động ! Phải không ?
Bởi vậy suy nghĩ cho kỹ thì đây đâu chỉ là một bài thơ động , mà hơn thế còn là một bức họa động !
Và nếu như cho tới nay chưa có bức họa nào có thể “vẽ ” hết được những điều mà ngôn ngữ bài thơ hàm chứa, thì cũng chưa có bản dịch nào có thể “chuyển” được những điều mà ý thơ muốn nói ! Cái Có của bài thơ không chỉ là cái Có trong nó mà quan trọng hơn là cái Không Có trong nó ! Ai cũng có thể diễn được cái có, nhưng mấy ai diễn được cái không ?
Người khách đã tới chốn sơn lâm mong gặp ẩn giả, và đã hỏi chuyện tiểu đồng.Chưa có câu trả lời. Chưa biết khách sẽ ngộ hay bất ngộ sư. Và đến hôm nay, đã hơn ngàn năm trôi qua, cũng chưa có câu trả lời ! Người hỏi và người được hỏi vẫn đứng ngàn năm dưới cội tùng !
Tôi có cảm giác mình cũng là một khách vân du đi tìm cố nhân, tôi muốn hỏi chú tiểu đồng những câu hỏi mà năm xưa chú đã được hỏi. Tôi nghĩ chú vẫn sẽ chỉ vào chốn xa xôi, mây núi chập chùng.
Tôi nghĩ mình sẽ qua đêm tại chốn sơn lâm cùng cốc đó để đợi một điều có thể nên đợi và không nên đợi. Ngộ hay bất ngộ đều như nhau ! Tôi chỉ biết ngàn năm đang trôi. Tôi chỉ biết tôi vẫn là một người khách của thời gian. Và sư vẫn hái thuốc chưa về !
Bởi vậy một đêm tự nhiên tôi có một “bản vẽ” như thế này :
Dưới bóng tùng hỏi thăm
Sư hái thuốc xa xăm
Người đi về lối ấy
Mây núi đã ngàn năm …
Sư hái thuốc xa xăm
Người đi về lối ấy
Mây núi đã ngàn năm …
Giang Nam tiên sinh đã chính xác khi cho rằng bản dịch “không tải hết được nội dung nguyên tác vốn hàm súc (hình tượng em bé/ quan niệm của em về đường đi, phương hướng nơi núi rừng, nỗi băn khoăn lo ngại của khách nhìn mây dày đặc (vân thâm) ”
Vâng đúng vậy thưa Giang Nam tiên sinh cùng quý vị, như trên tôi đã nói, một bài thơ quá Động thì dịch phải nói là chuyện vô cùng khó.Bởi chỉ có Tĩnh mới chế được Động, mà trong cuộc đời này, cái Tĩnh cũng chính là cái chúng ta đang tìm kiếm và nuôi dưỡng hàng ngày.
Tuy nhiên hôm nay tới thăm Giang Nam tiên sinh, tôi tìm thấy một chút Tĩnh cho mình.Đó là bài phiếm bình tôi viết hôm nay.
Sư, tiểu đồng và vị khách đi về đâu ?
Tôi nghĩ là không ai biết cả, nhưng mà tôi có thể nói như thế này:
Người đi về lối ấy
Mây núi đã ngàn năm …
Quý vị có thấy tôi chỉ đường hay hơn anh tiểu đồng năm xưa không ?
NĐH
No comments:
Post a Comment