Tuesday, June 9, 2015

ĐẠI CƯƠNG VĂN HỌC SỬ TRUNG QUỐC.

  1. ĐẠI CƯƠNG 
    VĂN HỌC SỬ TRUNG QUỐC

    (TRỌN BỘ)
    Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
    DCVHSTQ_Bia.jpg ​
    嗟乎文章之事寸心千古
    Ta hồ! Văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ
    (Cổ văn)
    Tạo eBook: Goldfish
    Ngày hoàn thành: 10/09/2013
    www.e-thuvien.com

    THAY LỜI GIỚI THIỆU[1]

    Công trình mệt cho tôi nhất – mệt mà thú – hồi tản cư ở Long Xuyên nhất là viết bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc gồm ba cuốn: I. Từ thượng cổ đến đời Tuỳ; II. Đời Đường; III. Từ Ngũ đại đến hiện đại.

    Viết bộ đó chủ ý của tôi cũng là để tự học. Trong bài Tựa - mà tôi lấy làm đắc ý - tôi nói hồi ở trường Bưởi tôi đã tò mò muốn biết về văn học Trung Quốc. Nền cổ học Trung Quốc như có sức gì huyền bí thu hút tôi, một thanh niên theo Tây học. Mỗi lần nghe đúng tên như Văn tâm điêu longChiêu Minh văn tuyểnTiền Xích Bích phúQui khứ lai từ… dù chẳng hiểu nghĩa, tôi cũng thấy trong lòng vang lên một điệu trầm trầm, như nhớ nhung cái gì. Phải chăng đó là tiếng vang những giọng ngâm nga của tổ tiên tôi còn văng vẳng trong lòng tôi?

    Muốn tìm hiểu văn học Trung Quốc mà sách báo Việt chỉ làm cho tôi thất vọng. CuốnViệt Hán văn khảo của Phan Kế Bính sơ lược quá; còn đọc những bài dịch Cổ văn, thơ Đường đăng lác đác trên tạp chí Nam Phong và một số báo khác thì không khác gì coi mấy bông sói, bông hồng, bông ngâu, bông móng rồng mà mấy chị bán hoa ở phố Hàng Đường (Hà Nội) gói trong chiếc lá chuối, chứa trong cái thúng để bán cho các bà nội trợ mua về cúng rằm, làm sao biết được vườn làng Ngọc Hà, làng Yên Phụ ra sao.

    Tôi chỉ còn cách học chữ Hán để đọc sách của người Trung Hoa viết. Khi đã có một số vốn độ 3.000 chữ, đủ để mò trong các tự điển Trung Quốc, tôi kiếm mua mấy bộ Cổ vănĐường thiVăn học sử, Bạch thoại văn học sử, Trung Quốc văn học tư trào sử lược… như tôi đã nói (chương XIII), rồi mò mẫm lần. Thật khó nhọc vô cùng! Đọc một bài trong Cổ văn quan chỉ dài độ hai mươi hàng, tôi thường mất cả buổi mà chỉ hiểu lờ mờ. Bộ ấy chú thích rõ ràng, và có dịch cổ văn ra bạch thoại; nhưng cổ văn và bạch thoại của tôi đều ở mức sơ đẳng, phải dùng cổ văn để đoán bạch thoại và ngược lại dùng bạch thoại để đoán cổ văn.

    Còn những cuốn Văn học sử thì tuyệt nhiên không có chú thích, nhiều chỗ tôi phải viết thư hỏi bác tôi, nhưng không dám hỏi nhiều vì mất công bác viết thư trả lời. Đành đọc nhiều sách, nhiều lần rồi vỡ nghĩa dần.

    Học tới đâu tôi tóm tắt, ghi tới đấy, so sánh các sách, sắp đặt rồi chép trong những tập vở 100 trang. Sau cùng dịch một số bài văn thơ, viết thành chương. Nội công việc dịch và viết này cũng mất chín, mười tháng. Các bài cổ văn thì tôi dịch lấy, thơ tôi dịch được một số, bác tôi dịch cho một số lớn. Bài thơ nào không đề tên người dịch là của tôi, đề “Vô danh dịch” là của bác tôi. Hai bác cháu đều chú trọng nhất tới đức “tín”, nghĩa là dịch sao cho đúng, cho sát, không dám sửa lời, thêm ý. Chúng tôi biết nhiều bài người trước đã dịch rồi mà hay, nhưng vì ở Long Xuyên thiếu sách, tôi không thể kiếm được, nên không dẫn vô.

    Tôi viết như vậy cốt để học, chứ không nghĩ đến việc in. Viết xong, thấy có thể giúp cho các bạn hiếu học có một khái niệm về văn học Trung Quốc nên mới sửa lại rồi cho xuất bản. Sự nhận định của tôi chắc không sai nhiều vì tôi đã tham khảo kĩ, bằng những phương tiện tôi có; bố cục có mạch lạc và sáng sủa; nhưng tôi nhận rằng còn những lỗi dịch sai, nhất là phiên âm sai, mặc dầu vậy tôi cũng cứ cho ra mắt độc giả. Sở dĩ “tôi cả gan như vậy là vì tin lòng quảng đại của các vị cựu học, không nỡ trách kẻ hậu tiến học thức nông cạn mà sẵn lòng hạ cố chỉ bảo cho những chỗ sai lầm, hầu giúp bọn tân học chúng tôi hiểu thêm cái cổ học của các cụ, tức là cái nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam chúng ta” (trích trong bài Tựa).

    Văn học Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến văn học Việt Nam mà các cụ quá khiêm tốn không chịu viết thì bọn xẩm như tôi đành phải mò kim vậy.

    Viết xong tôi chép lại, khoảng 750 trang, mất ba tháng nữa (vì có nhiều chữ Hán và bài nào cũng có phần phiên âm).

    Ngày 20 tháng mạnh đông năm Quý Tị (26-XI-1953), mọi công việc hoàn thành, tôi thấy khoan khoái. Tôi thảo bài Tựa, cuối bài ghi cảnh trăng khuya trong vườn hoa ở phòng viết trông ra:

    “Trăng mới ló dạng. Cảnh vật đang tối tăm, bí mật bỗng hoá ra êm đềm nên thơ. Nhành liễu là đà lấp lánh bên dòng nước. Giò huệ rung rinh toả hương dưới bóng dừa. Đêm nay tôi muốn thả hồn tìm thi nhân cùng danh sĩ Trung Hoa thời trước.

    “Hỡi hương hồn chư vị ấy! Tôi mang ơn chư vị rất nhiều, gần bằng mang ơn văn nhân nước tôi; vì từ hồi mới sanh, tôi đã được nghe lời ngâm Chinh phụ, Thuý Kiều xen lẫn với lời bình văn thơ của chư vị và ngay trong văn học nước tôi cũng thường thấy ẩn hiện nỗi của lòng chư vị. Tâm hồn tôi ngày nay một phần cũng do chư vị đào luyện nên.

    “Viết cuốn này tôi muốn có cơ hội gần chư vị thêm một chút. Tác phẩm của chư vị quá nhiều, tôi không đọc hết, nên ngoài cái lỗi giới thiệu vụng về, tất còn mang thêm cái tội vô tình xuyên tạc. Xin chư vị lượng thứ”.

    Mới có 27 năm mà cảnh tôi tả trong đoạn đó nay đã thay đổi hẳn: dòng kinh đã lấp, gốc liễu đã không còn, nhưng thêm được hai cây hoàng lan, chiều tối hương thơm ngào ngạt cả một xóm.
    Bác tôi mừng tôi hoàn thành tác phẩm, cho tôi hai bài thất ngôn tứ tuyệt:

    紅 紫 門 前 鬥 艶 香
    滿 盤 詩 史 費 平 章
    金 風 鉄 馬 閒 中 過
    一 匣 青 山 自 主 張

    Hồng tử môn tiền đấu diễm hương,
    Mãn bàn thi sử phí bình chương.
    Kim phong thiết mã nhàn trung quá,
    Nhất hạp thanh sơn tự chủ trương.

    伱 自 編 之 我 閱 之
    一 家 樂 事 在 相 知
    何 須 更 向 東 西 問
    继 往 開 來 更 属 誰

    Nễ tự biên chi ngã duyệt chi
    Nhất gia lạc sự tại tương tri.
    Hà tu cánh hướng đông tây vấn,
    Kế vãng khai lai cánh thuộc thuỳ?

    Dịch nghĩa:

    (1)

    Trước cửa, các hoa đỏ, tía tranh nhau phô hương sắc,
    Trên bàn đầy thi sử, khó nhọc phê bình.
    Gặp lúc nhàn trong thời buổi binh đao,
    Có chủ trương lưu lại một hộp sách trong núi xanh (lưu tác phẩm cho đời sau)

    (2)

    Cháu cứ viết đi, bác duyệt cho, 
    Cái vui trong gia đình ở chỗ bác cháu hiểu nhau.
    Cần chi phải hỏi người bên đông bên tây,
    Việc kế vãng khai lai còn tuỳ thuộc vào ai nữa.

    Bác tôi còn cho tôi hai câu đối:

    古 色 古 香 文 自 古
    辛 心 辛 筆 世 方 辛

    Cổ sắc cổ hương văn tự cổ
    Tân tâm tân bút thế phương tân.

    一 門 文 獻 堪 徵 史
    两 國 兵 焚 不 滅 書

    Nhất môn văn hiến kham trưng sử
    Lưỡng quốc binh phần bất diệt thư

    Dịch nghĩa:

    (1)

    Sắc cổ, hương cổ, văn thời cổ

    Lòng mới, bút mới, đời vừa mới

    (2)

    Một nhà văn hiến có thể ghi vào sử

    Lửa binh hai nước không diệt được sách

    Bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc, ông P. Văn Tươi nhận là có giá trị nhưng không chịu xuất bản vì in rất tốn (phải sắp chữ Hán) mà khó bán. Năm 1955 tôi lại phải bỏ vốn ra in, 1956 mới xong[2]. Chỉ in 1.500 bản, tốn 75.000đ (mỗi cuốn 25.000đ). Giá vàng hồi đó vào khoảng 4.000đ - 5.000đ một lượng. Bán một năm được khoảng 500-600 bộ, đủ vốn; số còn lại bán bảy tám năm sau mới hết. Vậy, làm cái nghề viết văn cũng cần có vốn kha khá thì mới giữ được chí hướng, làm được những việc mình thích, mà chẳng phải tuỳ thuộc ai. Nếu tôi không có xuất bản lấy thì 10-15 năm sau chưa chắc đã có nhà chịu in cho, lòng ham viết tất phải nguội dần mà sẽ không viết thêm được cuốn nào về cổ học Trung Hoa nữa.

    In xong tôi mang về Long Xuyên ngay để bác Ba tôi coi. Tôi buồn rằng cha mẹ tôi và bác Hai tôi không còn. Tôi đã không phụ công của ba người thân đó. Trang đầu sách tôi đề:

    KÍNH DÂNG

    Hương hồn Thân mẫu tôi,
    Người đã cho tôi học thêm chữ Hán
    ở giữa thời tàn tạ của Nho học[3].

    Bộ đó năm 1964 nhà Khai Trí tái bản[4]; in 2.000 bản, được viện Đại học Huế khuyên sinh viên đọc; nhưng năm 1974 bán vẫn chưa hết. Lần tái bản này tôi chỉ sửa được một phần lỗi trên bản flan (bản để đổ chì) thôi, vì sắp chữ lại thì tốn công lắm.
    (Trích Hồi kí Nguyễn Hiến Lê – Nxb Văn học, năm 1993, tr. 444-446)​

    [HR][/HR][1] Nhan đề do chúng tôi tạm đặt. (Goldfish).

    [2] Trong danh mục sách trong cuốn Mười câu chuyện văn chương thì bộ ĐCVHTQ do nhà Nguyễn Hiến Lê xuất bản năm 1955. Do đó ta có thể suy ra rằng năm 1955 đã in xong cuốn đầu hoặc cuốn đầu và cuốn thứ hai, năm 1956 thì in xong cuốn thứ ba hoặc cuốn thứ hai và cuốn thứ ba. (Goldfish).

    [3] Tôi không thấy mấy chữ trên trong bản in của Nxb Trẻ - 1997. (Goldfish).

    [4] Có lẽ trên hình bìa ghi tên nhà xuất bản là Nguyễn Hiến Lê. (Goldfish).
    
    
  2. goldfish


    Đính chính:

    Trong eBook trên có đoạn viết về Lý Bạch như sau:
    Nay nhân đọc bài “Nói rõ thêm về chữ ‘tư’ trong Xuân tư” của An Chi đăng trên tranghttp://www.bachkhoatrithuc.vn/encyc...g-Tay/Noi-ro-them-ve-chu-tu-trong-xuan-tu.htm, tôi xin sửa lời chú của hình trên thành: “Tĩnh dạ tư”, và sửa chú thích 374 thành: Nhan đề bài này trong Hương sắc trong vườn văn (Nxb Nguyễn Hiến Lê, năm 1961, trang 98) chép là “Dạ tư”, trong hình trên chép là: Tĩnh dạ tư 靜夜思 (Tạm dịch: Nỗi nhớ trong đêm vắng). (Goldfish).
     

  3. TRÍCH THƯ CỦA CỤ QUÁCH TẤN GỬI CỤ NGUYỄN HIẾN LÊ

    Nha Trang, Rằm tháng 3 Mậu Thân (12.4.1968)


    Kính gửi ông Nguyễn Hiến Lê 

    Thưa ông,

    Nhận được thư ông và tập Xây Dựng Văn Hoá, sáng hôm nay, lòng tôi vui sướng cực độ. Vui sướng nhất là được cùng ông “thưởng thức hương hoa xoài” và được ông “đồng ý” về tính chất nước sông Côn.

    Thú vị quá!

    Vạn cảm, Vạn cảm.

    Rồi mở đọc Xây Dựng Văn Hoá, lòng thích thú tràn trề! Tôi có cảm giác tôi đương đọc tôi, nhất là phần nguyên tắc… (cá tính, dân tộc mình…). Tôi chợt nghĩ dại: “Phải chi trước đây tác giả sống ở Bình Định để cùng mình an trí cho vui”. Tôi nghĩ vậy là vì có những tư tưởng, những quan niệm giống ông mà thời kháng chiến chống Pháp ở Bình Định, tôi luôn luôn bị lao đao!

    Lâu nay tôi thấy tôi cô độc.

    Đọc ông tôi thấy ấm áp quá chừng!

    Thật là vui mà cũng thật thích thú!

    Khi lòng hoan lạc không ưng nằm nhà, mặc dù sách mới xem có 2/3 quyển. Thấy trời chiều nắng dịu, tôi bèn gấp sách, đi lang thang…

    (…)

    Tôi ở nơi cô lậu, thiếu bạn thiếu sách, nên việc sáng tác thật khó khăn. Không nỡ để thì giờ trôi xuôi, tôi bày ra viết hồi ký.

    Những sách của ông, tôi chỉ đọc được bộ Văn học sử Trung Quốc[1] và tập Sống Đẹp[2]. Tôi mến phục ông từ khi đọc Văn học sử Trung Quốc (…)

    Tôi quan niệm rằng con người viết văn, làm thơ, trước khi chấm bút vào mực, phải chấm vào máu mình, thì lời mình thốt ra mới có giá trị.

    Thời tiền chiến tôi thấy có Hoài Thanh. Thời hậu chiến tôi thấy có ông.

    Chắc còn nhiều người khác mà tôi không được biết vì trước kia cũng như bây giờ tôi sống xa nơi văn vật quá.

    (…) 

    Tái bút:

    - (…)

    - Nếu ông còn sẵn Cổ văn Trung Quốc[3] xin gởi cho một tập. Xin cảm ơn trước.


    [1] Văn học sử Trung Quốc, gồm 3 cuốn do tác giả xuất bản năm 1955. Trình bày những nét chính về văn học Trung Quốc. NXB Thành Phố Hồ Chí Minh tái bản năm 1993.

    [2] Sống Đẹp, dịch từ cuốn L’Importance của Lâm Ngữ Đường. Nhà xuất bản Tao Đàn in vào năm 1965. Được tái bản nhiều lần. Nhà thơ Đông Hồ rất tán thưởng.

    [Nhan đề đầy đủ: Một quan niệm về sống đẹp. Nhan đề của nguyên tác là: The Importance of living, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch từ bản Pháp dịch có nhan đề là:L’Importance de vivre. (Goldfish)].

    [3] Cổ Văn Trung Quốc, tuyển dịch gần 100 bài cổ văn Trung Quốc từ Xuân Thu đến Tần, Hán, Tấn, Lục Triều, Đường, Tống, Minh do NXB Tao Đàn ấn hành năm 1966.
     
    .
  4. quocsan

    quocsanLớp 6


    Vài lời thưa trước
    Tôi tạo lại ebook này, lấy ebook của bác Goldfish làm gốc, điều chỉnh lại một ít ở phần định dạng (như hạn chế màu sắc, làm gọn các liên kết và các định dạng khác).
    Trước đây bác Goldfish đã chép một đoạn trong Hồi Kí Nguyễn Hiến Lê làm bài Thay lời giới thiệu, bổ sung rất nhiều chú giải (trên 360 chú giải!) và cả các hình ảnh rất hữu ích. Nay bác Goldfish tham khảo bản in bộ Đại cương Văn học sử Trung Quốc trong Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê IV: Văn học (Nxb Văn học, năm 1993) để sửa lỗi thêm (trong đó có rất nhiều lỗi do bác ấy đã gõ sai) và bổ sung vài chú thích. Ngoài ra, cũng nhờ bác Goldfish gửi đoạn trích Hồi ký Quách Tấn (do bạn Tovanhung – TVE đánh máy), nên tôi bổ sung luôn vào cuối ebook này (phần Đọc thêm).
    Trong lúc xử lý để ebook khi tạo ra gọn hơn, có thể có vài chỗ trình bày chưa tốt. Chân thành cảm ơn bác Goldfish và trân trọng giới thiệu cùng các bạn.
    QuocSan.

    http://tve-4u.org/threads/%C4%90%E1%BA%A1i-c%C6%B0%C6%A1ng-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-s%E1%BB%AD-trung-qu%E1%BB%91c-nguy%E1%BB%85n-hi%E1%BA%BFn-l%C3%AA.10953/

No comments:

Post a Comment