Bạn dịu dàng, mềm mỏng và tốt bụng. Bạn chu đáo, thỉnh thoảng hay phán xét, lúc nóng quá, bạn dễ vướng vào những cuộc tranh cãi không hồi kết. Nhưng bạn thực sự là một người bạn trung thành. Bên cạnh đó, những kết quả bạn chọn cũng nói lên rằng bạn không mấy tự tin vào vẻ ngoài của bản thân. Khi gặp một người mới, bạn muốn trốn tránh và có xu hướng thu mình lại, cẩn thận quan sát rồi mới bộc lộ bản thân. Cuộc sống qua lăng kính của bạn mang màu sắc hơi ảm đạm và có phần cảm tính. Bạn bị những lời nhận xét của mọi người ảnh hưởng khá nhiều.Tự tin lên nào! Hãy tin rằng, bạn thực sự rất đáng yêu và có sức hút đấy nhé!
Bonus: Không cần dịu dàng với kẻ bạo tàn
Nhiều phụ nữ nghĩ rằng "bạo hành" phải ác độc cỡ đánh đập, hành hạ, dùng roi sắt quật hay giết vợ giết con. Nhưng thực ra, bạo hành đến từ rất nhiều động thái nhỏ trong đời sống, mà sự thỏa hiệp của phụ nữ (phái yếu) cũng dẫn đến việc họ sẽ bị leo thang trong hành hạ. trải nghiệm của Chi Mai bắt đầu cũng chỉ là lời qua tiếng lại, nhưng nó đã kết thúc theo đúng quy trình của một kẻ có xu hướng bạo hành người khác. Phụ Nữ Tân Văn chia sẻ lại:
Một trong những bài học đầu tiên phụ nữ Việt phải học, là phải dịu dàng, chừng mực, ngọt ngào, khéo léo trong cư xử, gọi tắt là “biết chuyện”. Cách đây 1 tháng, khi tôi chuyển ra khỏi chỗ trọ của tôi sau khi xảy ra xung đột với bảo vệ của nhà, tôi mới thấy có một bài học quan trọng, là nữ, tôi cần học cứng rắn để bảo vệ bản thân mình trước những kẻ vinh danh những phẩm chất của nữ giới để tấn công tôi. Tôi muốn chia sẻ với các bạn nữ, vì ngẫm lại, trước nay, tôi chưa từng được bất cứ ai, kể cả gia đình, dạy phải cứng rắn và đấu tranh bao giờ.
Có lẽ phải kể một chút về tình huống của tôi: Ngôi nhà tôi ở là dạng serviced apartment ở quận 1. Mỗi phòng được trang bị đầy đủ như phòng khách sạn, bao gồm những dịch vụ như dọn phòng, dọn dẹp không gian sinh hoạt chung, bảo trì điện, nước, thang máy… Nhà của hai anh chị chủ nhà, không ở cùng. Vì có vị trí đẹp, gần khu phố Tây ở Sài Gòn, nên nhà có nhiều khách Tây ở, xen kẽ với phân nửa khách Việt.
Mọi việc ở ngôi nhà đều làm tôi rất hài lòng: gần khu trung tâm, giá thuê ổn định và phù hợp cho dịch vụ cung cấp, dịch vụ giặt ủi tuần 3 lần miễn phí tận phòng rất tiện lợi, cây xanh nhiều, ngôi nhà thậm chí còn để một cây đàn piano để khách chơi nếu thích! Riêng có một điểm không ổn: bảo vệ của ngôi nhà. Vì chủ nhà không ở chung, tất cả nhiệm vụ trông coi, hỗ trợ khách được giao cho cặp vợ chồng trên 50 tuổi, mà tất cả khách Việt gọi là “cô-chú”. Người vợ đảm đương việc dọn phòng, giặt ủi. Người chồng phụ trách việc vệ sinh và xử lý các tình huống phát sinh nếu cần, như khi khách quên chìa khoá vào phòng…
Thời gian đầu không có gì xảy ra. Tôi vẫn hay chào và thỉnh thoảng nói vài câu với người bảo vệ này. Tôi chỉ bắt đầu tìm cách lơ ông đi, khi phần lớn câu chuyện là những lời ông nói xấu những khách khác: con nhỏ đó phá, thằng đó ngu quá, không biết xử lý, con kia sợ chú lắm, thấy chú là lẩn đi, không dám nhìn mặt… Tính tôi không thích chuyện ngồi lê đôi mách, lại nghĩ người nói xấu người khác rất không đáng tin. Mặc dù có va chạm nhỏ và tôi cố gắng không tiếp xúc nhiều, nhưng cuối cùng cũng xảy ra chuyện ở tháng thứ 8 tôi ở nhà.
Dịp lễ 30/4-1/5, tôi đón bạn trai từ Đức về chơi. Thật ra, ngôi nhà do chính bạn trai tôi đứng ra liên hệ và thuê ở thời gian đầu. Sau đó, thì tôi mới là người ra thuê chính. Do đó, cả hai anh chị chủ nhà cùng cả cặp vợ chồng thay mặt quản lý nhà đều biết mặt, biết tên bạn trai tôi. Hôm đó là ngày đầu tiên tôi và bạn trai quay về Sài Gòn từ chuyến đi du lịch 5 ngày. Đang lò dò bước xuống lấy xe ăn trưa, thì người bảo vệ tôi kể đột ngột xông lại phía tôi và buột ra một tràng la hét: “Ở thì cũng phải biết chuyện một chút chứ. Ở đây chỉ giặt đồ cho một người, thằng kia đến, không báo, để một đống đồ giặt. Ở đây không có giặt cho.”
Tôi và bạn trai đều bất ngờ. Bạn trai tôi không nói được tiếng Việt, chỉ nghe giọng điệu rất giận dữ, thì kéo tôi đi nhanh khỏi đó. Chúng tôi sau khi ăn trưa, bàn luận với nhau thì thấy mình không có gì sai: Khi chúng tôi chuyển vào, có thoả thuận dịch vụ giặt ủi sẽ được cung cấp cho cả hai người, nên kết án của người bảo vệ là sai. Bạn trai tôi không phải người lạ, chính là người đã đứng ra liên lạc lúc đầu. Khi ký hợp đồng, có cả chủ nhà, người bảo vệ đó và hai chúng tôi ngồi cùng ký. Hơn nữa, điều sai nhất là thái độ hung hãn, giận dữ mà người bảo vệ nói với chúng tôi. Ở vị trí là khách, người đã trả tiền thuê và dịch vụ, người bảo vệ phải đối xử lịch sự với tôi – đó là một phần của cam kết dịch vụ cho hợp đồng thuê serviced apartment với giá cao gấp 3 lần nhà thuê bình thường. Nếu có bất mãn, ông ta nên trao đổi với chủ nhà hoặc lịch sự giải thích vấn đề với chúng tôi. Chuyện giặt ủi là chuyện nhỏ, nhưng chính thái độ đó là điều không thể bỏ qua.
Vì vậy, tôi gọi điện cho chủ nhà và trình bày toàn bộ vụ việc, cũng như lý lẽ của tôi. Chủ nhà xin lỗi tôi và bạn trai – mà ông từng gặp và chào nhiều lần khi hai người gặp nhau ở công viên gần nhà, cùng chạy bộ lần trước bạn trai tôi ở Việt Nam. Ông hứa sẽ trao đổi với người bảo vệ. Vì từng được chủ nhà giải quyết cho một vài rắc rối nhỏ trước đó, tôi tin tưởng và nghĩ ông sẽ đủ tin cậy để đứng về phía mình.
Khi gọi điện lại, chủ nhà giải thích, ông bảo vệ kể lại câu chuyện và đưa ra 3 lý do cho sự giận dữ của ông ta: Thứ nhất, vì bạn trai tôi là người nước ngoài, vào ở mà không báo trước, nếu công an xét phòng (?!), chủ nhà sẽ bị phạt. Thứ hai, ông và vợ rất mệt vì nhiều khách trở về sau kỳ nghỉ dài, nên có rất nhiều quần áo phải giặt. Thứ ba, nhà ông vừa lau, ông nói bạn trai của tôi khi đẩy xe đã…làm bẩn.
Tôi xin lỗi cho chuyện thứ nhất, vì tôi sơ ý không báo trước. Tôi cũng giải thích với chủ nhà, vì chúng tôi đi du lịch ngay khi bạn trai tôi đến Việt Nam, cho nên đó là ngày đầu tiên ở nhà. Hơn nữa, bạn trai cũng chỉ ở có 4 ngày, nên tôi không biết được. Cả hai lý do sau rất cá nhân và không giải thích được cho thái độ hung hãn của ông bảo vệ. Chủ nhà xin lỗi, và bảo tôi “xí xoá, mình người Việt với nhau. Thông cảm cho chú D, chú xem em như con cháu trong nhà.”
Không có lời xin lỗi chính thức nào từ phía người bảo vệ. 3 ngày sau, xảy ra lần xung đột thứ hai. Lúc đó, tôi lại dắt xe ra ngoài và lại gặp ông bước vào. Lần này, lý luận của ông ta thay đổi cho một tràng gào thét của ông: “Sao mày dám chỉ nói những điều có lợi cho mày với chủ nhà?… Tao không hầu mày…Mày không ở được thì mày đi đi…” Đó chỉ là một vài câu tôi còn nhớ được từ đợt bạo hành ngôn từ đó. Ban đầu, tôi đưa ra những lý lẽ của mình. Nhưng sau đó, thấy có dấu hiệu có thể xảy ra bạo lực, tôi gọi điện cho chủ nhà, gọi ông ta đến ngay lập tức và chạy ra ngoài.
Cũng như những kẻ có khuynh hướng bạo lực khác, gã bảo vệ khi nghe chủ nhà sắp đến để nói lý 3 mặt một lời, thì lập tức lủi mất.
Lần này, khi chủ nhà đến, chỉ có tôi, chủ nhà và cô vợ ngồi giải hoà với nhau. Khi nghe tôi trình bày hết lý, là nếu tôi biết cô giặt đồ cho tôi, đồ nhiều, giặt cực thế nào, tôi hoàn toàn có thể đem nửa đồ của bạn trai ra tiệm giặt, cô maid vợ bảo vệ cười và cũng trình bày câu chuyện từ phía cô: Cô đã bảo chồng đừng lớn tiếng, vì giặt đồ là trách nhiệm công việc, nếu làm không kịp trong ngày, thì giao vào ngày sau. Chủ nhà cũng bày tỏ sự thất vọng của anh, vì tất cả công sức vãn hoà của anh lần trước như công cốc, với cơn bột phát hôm nay với tôi. Anh yêu cầu cô maid phải nói với chồng, là phải lịch sự. Và anh lại xin tôi thông cảm, bỏ qua, đừng chuyển đi.
Riêng tôi, với lần thứ 2 này, cảm thấy không yên tâm chút nào. Tôi biết gã bảo vệ là người có khuynh hướng bạo lực, không nghe lý lẽ và có thể tấn công khi bị cơn điên làm mờ mắt. Tôi bắt đầu nghĩ đến những khả năng theo kịch bản…báo Công An. Vì gã có chìa khoá vào phòng tôi (và tất cả các phòng, vì là bảo vệ), chuyện gã nửa đêm vào phòng cho tôi một dao cũng có thể xảy ra. Bạn tôi bảo, nhờ một người bạn trai đưa tôi về nhà, rồi mua khoá phòng, khoá cửa phòng lại. Cũng may, vì nhà tôi ở Sài Gòn, nên đêm đó tôi chỉ cần chạy xe về nhà mẹ, ngủ nhờ một đêm.
Hôm sau, tỉnh táo lại, tôi thấy có những biểu hiện kỳ lạ trong chuyện này. Chuyện xung đột, đâu phải lần đầu tiên tôi gặp phải. Trong công việc, đôi khi xung đột còn xảy ra giữa tôi với sếp trực tiếp, hoặc với khách hàng. Những lúc đi du lịch ra nước ngoài một mình, mặc dù từng trải qua những tình huống lừa đảo, xảy ra với đàn ông nước ngoài, người lạ, nhưng tôi chưa thấy sợ nguy hiểm bao giờ. Nhớ lần đi Bangkok một mình, tôi đi theo một cái tour bằng tuk tuk giá 20 baht (14.000đ), đi khắp Bangkok, ghé qua rất nhiều trạm mua nữ trang. Về sau đọc mới biết đó là một cái bẫy scam thường nhắm vào khách du lịch, nhưng lúc đó chỉ thấy hơi buồn cười, vì tôi đi sạch cái trạm trong tour đó, nhưng không mua gì cả, đi hết thì tôi bảo anh tuk tuk chở về đúng y cái hẻm tôi ở.
Trong những tình huống xung đột, thường khi tôi giải thích và sử dụng lý lẽ để nói “Không”, tôi thấy người tiếp nhận sẽ bỏ đi, hoặc cố gắng thuyết phục thêm, chứ không nổi điên và tấn công bằng cách thoá mạ tôi. Mặc dù xung đột làm tôi thấy mệt, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy một sự sợ hãi đến mức như sợ bị tấn công như tưởng tượng tấn công bằng dao của tôi.
Tôi còn nhận ra một cảm xúc khác, ngoài hồi hộp, lo sợ, đó là cảm giác bị đau và tổn thương. Đó là cảm giác đau khi biết mình hoàn toàn đúng, được ủng hộ là mình đúng bởi những người xung quanh, nhưng vẫn bị tấn công một cách vô lý. Mặc dù là tấn công bằng ngôn ngữ thô lỗ, những lý lẽ có dao, chứ không phải tấn công vật lý, nhưng đó vẫn là một sự tấn công. Nhận biết điều đó là một trải nghiệm kinh ngạc đối với tôi: Tôi chưa bao giờ bị nhắm vào như một đối tượng bị tấn công hay nạn nhân, nhất là khi tôi nghĩ mình đã trưởng thành như bây giờ. Nhận biết rằng mình đang bị tấn công có gì đó cực kỳ phi lý.
Vì là người thích mổ xẻ cảm xúc và tình huống bằng khái quát khoa học, tôi tự nhiên nhớ về một vòng tròn về sự bạo hành mà chị bạn kể với tôi. Đó là một vòng tròn được những tổ chức giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành đưa ra, để lý giải vì sao họ không thể thoát khỏi bạo hành nhắm đến họ từ phía người đàn ông thân thiết nhất là chồng. Bạo hành nhắm đến nạn nhân không diễn ra liên tục, bạo liệt, mà có các giai đoạn. Chính các giai đoạn này làm cho người phụ nữ cảm thấy còn có hy vọng, nghĩ “mọi việc không tệ đến vậy” hay mình đang tưởng tượng ra. Khi tôi đọc, thì biết đó là vòng tròn được Lenore E. Walker đưa ra sau phỏng vấn 1,500 phụ nữ từng bị bạo hành.
Các giai đoạn gồm có 4 bước:
1. Căng thẳng leo thang: Căng thẳng diễn ra vì một xung đột gì đó trong cuộc sống chung, ví dụ như chuyện tiền bạc, chuyện con cái… Trong giai đoạn này, kẻ bạo hành sẽ cảm thấy khó chịu, bị lờ đi, bị đe doạ hoặc bị hiểu sai. Căng thẳng có thể diễn ra trong vài phút, vài giờ hoặc vài tháng. Nạn nhân có thể cảm nhận được căng thẳng và cố gắng rất quan tâm, ngọt ngào để tránh những điều sắp xảy ra.
2. Bột phát: Bạo hành diễn ra, có thể kèm theo bạo hành ngôn từ, bạo hành tâm lý lẫn những trò đánh đấm đáng tởm khác.
3. Làm hoà: Ở giai đoạn này, nạn nhân cảm thấy đau đớn, sợ hãi, hổ thẹn, bị thiếu tôn trọng, rối trí và có thể thậm chí cảm thấy phải chịu trách nhiệm vì cơn bạo hành xảy ra. Kẻ bạo hành sẽ cảm thấy hối lỗi và có thể sợ hãi nạn nhân sẽ gọi nhà chức trách. Kẻ bạo hành có thể hành xử: cố gắng làm hoà, thể hiện yêu thương, xin lỗi; hoặc, lờ đi hoàn toàn cơn bột phát bạo lực. Có kẻ bạo hành sẽ bỏ đi khỏi hiện trường, nhưng phần lớn sẽ tỏ ra hối lỗi, cố gắng làm cho nạn nhân tha thứ cho mình. Kẻ bạo hành có thể thậm chí doạ tự tử để nạn nhân tha thứ. Họ thường thuyết phục đến mức nạn nhân sẽ đồng ý tha thứ, mong muốn cải thiện mối quan hệ.
4. Yên bình: Mối quan hệ sẽ quay trở lại bình thường, thậm chí thắm thiết và khắng khít. Tuy nhiên, lời xin lỗi dần dần phai nhạt, và kẻ bạo hành có thể bắt đầu bứt rứt và quay lại giai đoạn 1, tiếp tục leo thang căng thẳng.
Sau khi biết được về vòng tròn này, về sau mình có tình cờ đọc câu chuyện cuộc hôn nhân của nhạc sĩ Lê Hựu Hà – người sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như Vào hạ, Hãy yêu như chưa yêu lần nào… – và ca sĩ Nhã Phương, thấy áp dụng rất đúng.
Nửa năm sau khi Nhã Phương ly hôn ông, Lê Hựu Hà chết đơn độc ở nhà riêng. Nhã Phương bị nguyền rủa là ngoại tình, không chăm lo cho chồng… Nhiều năm sau, Nhã Phương và người chị Bảo Yến mới lên tiếng, minh oan cho cô. Theo lời cả hai người, cô đã rất nhẫn nhục và cố gắng trong 20 năm, để làm tròn vai trò người vợ, nhưng cô quá thành công, trong khi Lê Hựu Hà sự nghiệp không thể phát triển hơn, nên ông sinh tính ghen tuông, đánh đập vợ.
Trong một trả lời phỏng vấn, Bảo Yến trích lời Nhã Phương nói, đúng y các giai đoạn của vòng tròn bạo hành trên: “Khi hai người sống chung được 10 năm, thấy Phương khổ, tôi cũng nói: “Em phải bỏ anh Hà thôi, ở với anh ấy mà em không hạnh phúc, sự nghiệp của emcũng bị hạn chế, sống như thế sao được?”. Phương tâm sự: “Sống với nhau, anh Hà cứ o ép em nhưng anh ấy có quá nhiều kinh nghiệm. Mỗi lần càm ràm, la mắng em xong, anh ấy lại vuốt ve, để em yêu thương anh ấy trở lại. Sau đó,anh ấy lại hành em, cứ lặp đi lặp lại. Anh ấy cao cơ quá”. Sau này tôi cũnghỏi, tại sao giờ em lại đòi ly dị, Phương nói: “Em thấy sống 23 năm quá đủ rồi, em không chịu được nữa. Nếu còn sống chung với anh ấy, em sợ anh ấy sẽ giết em vì ghen tuông quá”.”
Quay lại kinh nghiệm cá nhân của tôi, mặc dù chỉ là chuyện nhỏ, nhưng vì đã biết lý thuyết đó, tôi dần thấy sáng ra những giai đoạn này.
Tôi là nạn nhân lý tưởng nhất cho bạo hành ngôn từ, vì gã bảo vệ không thể tấn công đàn ông nước ngoài, cũng không thể tấn công chị người Hà Nội ở cùng chồng, cũng như khách nam khác trong nhà. Chỉ có tôi, là nữ, ở một tôi, được xếp hàng con cháu vì tuổi nhỏ, là lý tưởng cho những lời thoá mạ. Với kẻ bạo hành, không thể dùng lý. Và đúng y theo vòng tròn, sự việc sẽ diễn ra sau khoảng 3 ngày và gã bảo vệ luôn bỏ đi khi xảy ra xung đột. Lại 3 ngày yên ổn, và tôi lại thấy tiếc ngôi nhà ở quen và rất dễ chịu, cũng như lười nghĩ đến việc chuyển ra. Nhưng nếu lý thuyết là đúng, việc đó sẽ diễn ra tiếp hoài, tôi không thể sống trong yên ổn. Để kiểm chứng, tôi đợi thêm 3 ngày nữa trước khi thông báo chuyển ra.
Cuối tuần đó, ngày chủ nhật, tôi ôm tập xuống đàn piano để tập. Gã bảo vệ xuất hiện, lớn tiếng không cho phép tôi sử dụng đàn, yêu cầu tôi xin phép chủ nhà, nói tôi sẽ làm hỏng đàn và làm ồn. Tôi nhắn tin cho anh chủ nhà xin phép rồi ngồi đàn. Trong nhà lúc đó có nhiều khách đang nấu bếp, gã bảo vệ nói xấu to nhỏ về tôi với những khách khác, để tôi nghe. Lý thuyết được xác nhận, tối đó tôi nhắn tin để chuyển đi.
Đã một tháng trôi qua, nhưng tôi vẫn quyết định kể lại câu chuyện này. Chia sẻ sẽ giúp những bạn nữ khác, rơi vào những tình huống tương tự, hoặc nghiêm trọng hơn tôi, tự dưng bị rơi vào đúng vòng bạo hành tôi kể, có thể có thêm kinh nghiệm để xử lý vấn đề. Khi trở thành nạn nhân bị tấn công, bạn không có lỗi và bạn không cần xấu hổ. Kẻ bạo tàn chọn bạn, không phải vì bạn có gì không ổn, bạn béo, gầy, suy nghĩ không đúng, cư xử bậy bạ…gì cả. Hắn chỉ chọn bạn vì bạn có vẻ thuận tiện và sẽ không chống lại hắn thôi.
Nhận biết bạo hành không phải chuyện dễ, vì ít ai muốn nghĩ là mình đang bị bạo hành, nhất là trong tình huống bạo hành không phải từ thể xác mà chỉ do lời nói, và nhất là khi nó đến từ người yêu, người trong gia đình, người thân quen với mình. Tôi thấy, hữu ích nhất là ghi nhớ những quyền bất khả xâm phạm của mình, vì kẻ bạo hành luôn xâm phạm những quyền này cơ bản này. Tôi đọc được ý rất hay này từ một bài dạy cách cư xử với kẻ bảo hạnh. Chỉ cần nhớ đó là ranh giới bạn cần giữ cho bản thân bạn. Những quyền ấy như sau:
Bạn có quyền được đối xử tôn trọng.
Bạn có quyển thể hiện cảm xúc, ý kiến và nhu cầu.
Bạn có quyền đặt ra ưu tiên của bạn.
Bạn có quyền nói “không” mà không cảm thấy có lỗi.
Bạn có quyền lấy thứ mà bạn đã trả tiền cho nó.
Bạn có quyền có ý kiến khác mọi người xung quanh.
Bạn có quyền chăm lo và bảo vệ bản thân bạn khỏi bị đe doạ về mặt cơ thể, tâm lý hoặc cảm xúc.
Bạn có quyền tạo một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh của riêng bạn.
(Nguồn: https://www.psychologytoday.com/…/how-successfully-handle-a…)
Bạn có quyển thể hiện cảm xúc, ý kiến và nhu cầu.
Bạn có quyền đặt ra ưu tiên của bạn.
Bạn có quyền nói “không” mà không cảm thấy có lỗi.
Bạn có quyền lấy thứ mà bạn đã trả tiền cho nó.
Bạn có quyền có ý kiến khác mọi người xung quanh.
Bạn có quyền chăm lo và bảo vệ bản thân bạn khỏi bị đe doạ về mặt cơ thể, tâm lý hoặc cảm xúc.
Bạn có quyền tạo một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh của riêng bạn.
(Nguồn: https://www.psychologytoday.com/…/how-successfully-handle-a…)
Nếu bạn thấy những quyền đó bị xâm phạm, hãy trao đổi và chỉ ra với người xâm phạm quyền đó. Nếu người đó không lùi lại, mà tiếp tục tấn công bạn, đó chính là một kẻ bạo hành, cho dù người đó là người thân thiết, người có quyền lực hơn bạn trong hệ thống (như sếp) hay người bạn yêu.
Vậy phải làm gì?
Hãy kêu gọi sự hỗ trợ của những người bạn tin tưởng, yêu thương, quan tâm đến bạn; chia sẻ câu chuyện đó và yêu cầu giúp đỡ, để có biện pháp đối phó với kẻ đang bạo hành bạn. Có thể sẽ có người nói với bạn “Đừng nhạy cảm quá”, như có người bạn từng nói với tôi, mỗi khi tôi cảm thấy không an toàn. Hãy kể thêm với nhiều người bạn khác để có những ý kiến khác nhau. Hãy kể với mẹ. Nếu thấy không thể dùng lý và cảm thấy không an toàn, hãy bỏ đi và tự cách ly khỏi nguồn nguy hiểm.
Chi Mai (Đọc thêm các bài của tác giả tại đây: http://chi-mai.org/ )
No comments:
Post a Comment