Wednesday, June 3, 2015

"Quyen Duoc Sai"

 - Mắc lỗi là một phần trong quá trình trưởng thành của bất kỳ một đứa trẻ nào. Nhưng khi trẻ phạm lỗi, phản ứng của phần lớn các bậc cha mẹ là giận dữ và sẵn sàng dùng roi vọt với con. Chúng ta cho đó là uy quyền để giáo dục trẻ nhưng thực chất đây không phải là giáo dục mà là trừng phạt.

Vấn đề này được Ths Nguyễn Thành Đoàn (Thành viên Hiệp hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Hiệu trưởng trường mầm non Hoàng Gia) và PGS. TS Lê Văn Hảo, Viện Tâm lý học-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội phân tích tại buổi Hội thảo “Tại sao trẻ “hư” và một số cách kỷ luật tích cực” do trường mầm non Hoàng Gia (Hà Nội) tổ chức.
Nguyên nhân trẻ hư là do người lớn
Thạc sĩ Đoàn cho rằng: giáo dục bằng uy quyền là sai lầm của phần lớn các bậc cha mẹ. Uy quyền của phụ huynh trong giáo dục con cái được thể hiện ở rất nhiều mặt và đôi khi chính họ cũng không biết mình sử dụng uy quyền sai và hành vi hư của những đứa trẻ cũng xuất phát từ điều này.
Theo thạc sĩ Đoàn, khi trẻ mắc lỗi nhiều bố mẹ có thể giận dữ, càu nhàu và sẵn sàng dùng roi bất cứ lúc nào. Ví như việc trẻ làm vỡ cái bát hay lọ hoa, điều người lớn thường nghĩ ngay tới việc đó là dùng roi để dạy cho trẻ nhớ. “Sự dữ tợn có làm trẻ có sợ không? Tất nhiên là chúng sẽ sợ. Trẻ sẽ bắt đầu hình thành tính khiếp nhược và dễ sợ hãi. Dần dần vì điều đó, trẻ sẽ nghĩ ra cách nói dối để không bị mắng hoặc sẵn sàng có hành vi ứng xử gần như là sự “trả thù” cho tuổi thơ của mình.”
Bên cạnh đó không ít người làm cha mẹ nghĩ rằng mình là người lớn, mình luôn đúng và lời nói của mình với con là bất khả kháng “bố mẹ nói con không được cãi”. Có nhiều lí do như sợ con nghĩ bố mẹ nhầm, sợ con nghĩ bố mẹ sai. Bố mẹ luôn đặt ra pháp luật riêng trong gia đình và bắt con cái thực hiện. Điều đó dẫn tới việc nhiều khi chúng ta không biết cuộc sống cá nhân của trẻ, hứng thú suy nghĩ của của chúng ra sao.
Ví dụ thấy được lợi ích của việc đi học đàn, người lớn chúng ta một mực bắt trẻ đi mà không biết con có năng khiếu và hứng thú hay không. Nếu áp dụng thường xuyên, trẻ sẽ chỉ là người biết tuân lệnh. Sau này trưởng thành, có điều kiện trẻ cũng chỉ biết ra lệnh cho người khác. Đồng thời bị kìm kẹp trong sự độc đoán của bố mẹ, trẻ sẽ mất đi tính độc lập sáng tạo của riêng mình.
Sai lầm, cha mẹ, giáo dục, trẻ em
PGS. TS Lê Văn Hảo trao đổi với các bậc phụ huynh tại buổi Hội thảo
Thạc sĩ Đoàn khuyên, người lớn hãy đừng để những yếu tố độc đoán này kìm hãm sự phát triển trí tuệ của trẻ. Đừng lạm dụng roi vọt để biến con mình thành những con rô bốt chỉ biết nghe lời.
Hãy dạy trẻ bằng thực tế
“Nhiều người nghĩ rằng không độc đoán, áp đặt mà nên nhẹ nhàng phân tích giải thích với hành vi của trẻ. Nhưng thay vì mất công giảng giải (vốn ngôn ngữ của trẻ không phong phú sẽ khó tiếp thu), chúng ta hãy dùng những trò chơi, câu chuyện có hình ảnh màu sắc sống động gắn liền cảm xúc cũng như sự tương tác, trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh.”, ThS Đoàn khuyên.
Ví dụ cụ thể đó là việc trẻ thích thò tay vào cánh quạt đang quay hoặc chạy lại gần bô xe máy đang bỏng. Nhiều cha mẹ không giải thích gì chỉ quát nạt ra lệnh cấm tới gần hoặc nhẹ nhàng thì bảo “con ơi con đừng lại đó, nó cắn, nó bỏng đau lắm”. Trẻ chưa hiểu được đau, bỏng là gì mà cấm thì trẻ càng tò mò. Cách đơn giản là mua một con búp bê bằng nhựa và dí vào bô xe máy đang bỏng, thấy con búp bê bị nóng quá chảy ra, trẻ nhìn và sẽ tự biết hậu quả nếu chúng cố tình chạm vào đó. Cũng giống như việc thò tay vào quạt, bố mẹ chỉ cần lấy một búp rau mềm nhét vào và trẻ sẽ thấy việc búp rau đứt ra.
Thạc sĩ Đoàn còn chia sẻ thêm một số sai lầm trong dạy trẻ: “Đó chính là sự quá yêu thương bảo bọc, sự dễ dãi trong việc nuôi dạy trẻ. Đổi lấy sự nghe lời của con, nhiều gia đình sẵn sàng đáp ứng bất cứ yêu cầu nào trẻ đưa ra. Hoặc “mua chuộc” trẻ bằng những lời hứa, phần thưởng “con ăn xong, học xong… mẹ sẽ cho con đi siêu thị, mua cho con…”.
Hậu quả là khi lớn lên, gặp bất cứ khó khăn nào trẻ cũng dễ dàng bỏ cuộc vì việc nào chúng làm cũng cần phải có điều kiện hoặc lợi ích ngay trước mắt.
Giáo dục khác với trừng phạt
Đồng ý với những phân tích trên của ThS Đoàn, PGS. TS Lê Văn Hảo cho rằng mắc lỗi là một phần trong quá trình trưởng thành của bất cứ đứa trẻ nào và trẻ thường mắc lỗi bởi 3 lí do: tò mò khám phá, sơ ý hoặc cố tình để thu hút sự chú ý. Đồng thời khi trẻ hư thì sự ra tay ở người lớn với chúng là khá cao.
“Với trẻ khóc cũng là một cách để giao tiếp, để cho người lớn biết rằng chúng đang có vấn đề. Nhưng nhiều bố mẹ lại sẵn sàng quát trẻ bắt phải im ngay lập tức”, PGS. TS Hảo dẫn thêm ví dụ về việc áp đặt uy quyền của cha mẹ với con cái.
Ngày nay xã hội thay đổi kéo theo cuộc sống cũng thay đổi. Nhìn chung trẻ em hiện tại đã khác ngày xưa rất nhiều, chỉ có cách làm cha mẹ của chúng ta là vẫn vậy. Cho nên vấn đề trẻ “hư” là của người lớn chúng ta chứ không nằm ở trẻ.
Với 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn tâm lý, là chuyên gia tư vấn và xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng, giá trị sống của tổ chức Plan Việt Nam, ông Hảo đưa ra lời khuyên: “Ngạn ngữ Châu Âu có câu muốn một đứa trẻ ngoan và tốt phải giáo dục nó 20-30 năm trước khi ra đời”, nghĩa là chính người lớn chúng ta phải làm gương cho trẻ.
Trong giới hạn cho phép, cha mẹ hãy làm bạn với con cái của mình. Đừng áp đặt uy quyền độc đoán lên trẻ bởi đó không phải là dạy dỗ, đó là trừng phạt. Nên nhớ giáo dục khác với trừng phạt”.
Minh Thùy 

'Quà 1/6 cho con: Quyền được sai'

Trẻ không bao giờ chủ định làm sai. Những điều trẻ đang làm sai đều là do bắt chước các hành vi sai từ môi trường xung quanh. 

Chắc bạn đã học đi xe máy và thi lấy bằng, khi mới tập, bạn có điều khiển xe theo vòng số 8 ngay lập tức được không? Chắc bạn đã học đánh máy, bạn có đánh máy đúng và nhanh ngay lập tức được không? Chắc bạn đã thử nấu ăn theo một công thức mới, bạn có nấu ngon ngay lập tức được không? Câu trả lời của tôi cho tất cả các câu hỏi trên là không. Tôi không làm được.
Thế mà trẻ con bây giờ phải ngay và luôn nhiều thứ. Trẻ con không được quyền sai, không được khóc, không được xị mặt ra khi bị mắng, không được quyền làm ra những sản phẩm xấu, không được làm đổ vỡ,... không được là một em bé.
Công ước quốc tế về quyền trẻ em không có Quyền được sai. Thế nên 1/6 này, mẹ tặng con món quà đó. Mẹ tặng con Quyền được sai vì mẹ yêu con nhất trên đời.
Ngày xưa khi còn bé, mẹ mà sai là bị phạt ngay. Giờ, tức là qua 3-4 thập kỷ, mẹ thấy trẻ con xung quanh vẫn phải trải qua những điều như thế. Hằng ngày mẹ nghe tiếng trẻ con bị quát mắng, bị dọa, bị đánh vì đủ mọi yêu cầu vượt quá sức và kỹ năng của những em bé.
mom-and-girl-7011-1433147617.jpg
Ảnh minh họa: Missmillmag.
Từ trước khi học Montessori, mẹ đã học được những bài học quý giá từ những nơi khác nhau trên trái đất. Dự án đầu tiên của mẹ khi học năm thứ nhất ở trường đại học, mỗi nhóm có 3.000 Euro và một cái đĩa CD hướng dẫn tất cả mọi thủ tục lập một công ty cùng tất cả các điều liên quan, hãy nhập một sản phẩm, bán nó ra và mang về thật nhiều lợi nhuận. Sau một học kỳ tất cả các nhóm đều lỗ gần hết số vốn. Không một sinh viên nào bị mắng. Bài học lớn nhất ai cũng học được: Thất bại luôn là một phần của cuộc sống và thường thì thất bại nhiều hơn thành công.
Khi sang Anh, để có tiền đi học, mẹ đi làm. Mẹ hăm hở giúp chị A, 6 tuổi, làm bài tập về nhà. Mẹ của A bảo “Cứ để cho bạn ý tự làm. Nếu bạn ý làm sai có nghĩa là bạn ý chưa hiểu bài trên lớp. Như thế cô giáo mới biết là không phải học sinh nào cũng hiểu bài giảng của cô để họ rút kinh nghiệm và nghĩ ra nhiều cách tiếp cận học sinh khác nhau. Trẻ con không cần phải lúc nào cũng đúng”.
Bác R là một phụ nữ chiến thắng ung thư. Ung thư gì thì mẹ không biết. Hai đứa con của bác R cũng không biết. Người phụ nữ Australia này, gầy như một cây sậy, chuyên tổ chức tiệc cho tất cả những ngôi sao danh giá nhất ngay giữa London, có một sức sống mãnh liệt và một lòng dũng cảm phi thường. Bác không bao giờ kêu ca, không bao giờ ngừng hy vọng, không bao giờ làm khổ người khác. Trái lại, mọi câu bác nói ra đều hài hước và làm mọi người xung quanh cười. Mẹ chỉ biết R bác R từng bị ung thư khi thấy tóc giả và rất nhiều kiểu mũ trong nhà bác. Và người phụ nữ chiến thắng cái chết đó nói trẻ con không cần phải lúc nào cũng đúng. Lúc đó mẹ còn rất trẻ, mẹ chưa có con, mẹ chưa hiểu được sâu sa ý nghĩa của câu nói ấy như bây giờ - khi mẹ một mình nuôi con và đang làm cô giáo. Trẻ con không thể, không cần và không phải luôn luôn đúng, một người mẹ bình thường đã dạy mẹ bài học đó.
Rồi mẹ học Montessori. Ngạc nhiên hơn nữa, Montessori nói trẻ luôn luôn đúng. Trẻ không bao giờ chủ định làm sai. Những điều trẻ đang làm sai đều là do bắt chước các hành vi sai từ môi trường xung quanh. Thế nên nếu trách, mắng hay phạt phải trách, mắng hay phạt người lớn xung quanh trẻ.
Ở trường, trẻ làm sai vì cô giáo hướng dẫn chưa đủ hay, sai thời điểm hoặc không đúng cách học của cá nhân em bé đó hay cô chưa hướng dẫn bài học kỹ năng đó. Với mọi kỹ năng, cần phải phải được luyện tập và thực hành nhiều lần mới dần dần đi đến cái đúng. Khi trẻ làm chưa đúng có nghĩa là năng lực của bạn ấy đang ở mức đó. Các cô nhìn thấy thế thì sẽ hướng dẫn lại khi hợp lý. Điều quan trọng là niềm vui trên chặng đường đi chứ không phải chỉ là vinh quang ở đích đến. Nếu chặng đường đi không vui thì ai cố đến đích làm gì?
Khi bạn quay lại nhìn khi trẻ làm rơi vỡ cái bát, bạn đã ngầm gửi một thông điệp “Con chẳng làm được cái trò trống gì cả.”
Khi bạn ngồi đó nhìn xem trẻ sẽ làm đúng hay sai. Bạn dạy trẻ “Làm đi xem nào. Làm đi cho mẹ. Phải đúng để xứng đáng với công sức mẹ vừa giảng giải đấy nhé”.
Khi bạn cầm tay em bé để uốn nét chữ cho tròn trịa theo đúng ý bạn, bạn dạy trẻ: “Con sẽ chẳng bao giờ tự làm được cái gì cho nên hồn nếu thiếu mẹ”. Tệ hơn, bạn đang bẻ gẫy ý chí non nớt của trẻ trước khi nó có cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn - đó là ý chí của mỗi con người điều khiển hành vi của chính mình, không phải bàn tay can thiệp từ bên ngoài vào.
Khi người lớn làm hộ trẻ để trẻ có sản phẩm mang đến lớp hôm sau, khi cô giáo làm hộ trẻ, để sản phẩm đó trông cho đẹp theo ý kiến cá nhân cô... người lớn đang dạy trẻ dối trá chứ không sống bằng thực lực của mình và lấy làm hạnh phúc vì sống thật với mình.
Cả xã hội yêu cầu tất cả mọi thứ phải đúng, ngay và luôn với bất cứ ai. Ai không đúng ngay và luôn là thứ yếu, là kém cỏi, là không xứng đáng, là sẽ không bao giờ có tương lai.... Và câu hỏi lớn nhất mẹ phải tự vượt qua lúc đó là “Nếu mẹ được lớn lên theo cách các giảng viên đang dạy mẹ, với những người lớn như các giảng viên đang dạy mẹ, mẹ sẽ thành con người như thế nào?”. Câu hỏi không có lời giải đáp đó mẹ mong con không bao giờ phải hỏi như mẹ từng phải trải qua.
Bố rủ mẹ đi nhảy dù, mẹ sợ dù không mở. Bố rủ mẹ đi lặn biển, mẹ sợ tai nạn chết đuối. Bố rủ mẹ đi trượt tuyết, mẹ sợ ngã gẫy cổ. Khi học trượt patin với con, con trượt vèo vèo, mẹ lò dò đằng sau sợ ngã. Con ngồi xích đu, đu cao lên đến gần xà ngang, mẹ lại thót tim sợ con ngã. Con có thể lấy tay cầm đủ các con từ con lươn, trạch, giun đến sâu, mẹ sợ không dám sờ vào. Cái sợ ăn sâu vào tiềm thức ảnh hưởng đến mọi suy nghĩ hoạt động của con người. Nỗi sợ thật là đáng sợ. Khổ hơn, toàn là những nỗi sợ vô căn cứ.
Nếu ngày trước mẹ không bị dọa, không bị áp lực không được phép sai, mẹ nghĩ mình cũng sẽ không sợ nhiều thứ đến thế. Và để vượt qua những nỗi sợ vô lý như thế, sao mà tốn kém quá. Tốn thời gian, tốn năng lượng, tốn công sức, tốn cơ hội, cộng dồn lại tốn đi một phần cuộc đời không bao giờ lấy lại được.
Càng sống, càng gặp nhiều người khác nhau, càng trải nghiệm, càng làm việc nhiều với các em bé, mẹ lại càng hiểu hơn tại sao Montessori lại coi môi trường được chuẩn bị quan trọng đến thế. Và con người trong môi trường đó là đồ dùng học tập quan trọng nhất cho các em bé. Chỉ cần con được thả vào một môi trường thân thiện với trẻ, được sống với những người thực sự yêu quý, tôn trọng và hiểu con một cách khoa học, cho con quyền được sai để con học qua các trải nghiệm và phát triển theo đúng nhịp độ của mình, con sẽ lớn lên hạnh phúc, vui vẻ, tự tin và làm gì cũng sẽ thành công.
Vậy nên 1/6/2015, quà của mẹ cho con là Quyền được sai, viết thành văn bản để nhắc mẹ luôn luôn làm đúng. Đây cũng là văn bản chính thức cho mẹ quyền xù lông xù cánh lên bảo vệ con khi bất cứ ai khác xung quanh dám tước đi của con cái Quyền Được Sai đấy cho dù người ta có nói gì về mẹ đi nữa.
Chúc mừng ngày quốc tế thiếu nhi. Chúc các em bé luôn được chúc mừng cả năm.
Montessori là một phương pháp giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Italia Maria Montessori (1870–1952). Phương pháp này chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng riêng và thời gian riêng của mình. Do đó việc tổ chức các lớp học theo mô hình Montessorri phải đảm bảo sự tôn trọng tính riêng biệt của mỗi trẻ, phải bố trí phòng học và bài học phù hợp những nhu cầu và mục đích của mỗi em.
Lê Mai Hương
Giáo viên Montessori

No comments:

Post a Comment