Friday, September 4, 2015

Vị thầy trẻ nơi làng chài


GN - Chùa trống trước trống sau, không một  mái lá lành để che mưa che nắng, mùa mưa đến, nước ngập lênh láng khắp chùa…vậy mà ĐĐ.Thích An Đạo vẫn quyết tâm ở lại chùa Phước Hải, (huyện Cần Giờ, TP.HCM) để hoằng pháp cho bà con. Hành trang ban đầu người thầy 23 tuổi ấy có được chỉ là một chữ thương của người xuất gia đối với dân làng chài nghèo khó…
Hoằng pháp từ con số không.

Nếu như chín năm trước, làng chài này được biết đến bởi biệt danh “làng chuyên nhậu” thì hôm nay lại được biết đến với cái tên “làng chuyên tu”. “Những bạn nhậu khét tiếng năm xưa giờ đã bỏ rượu, chăm làm, quan tâm con cái. Còn những đứa trẻ thích quậy phá giờ đã chăm học, ngoan hiền và chăm chỉ đến chùa học đạo làm người… Có ai ngờ, sự thay đổi đó lại đến từ khi có vị thầy trẻ tên Thích An Đạo về trụ trì chùa Phước Hải”, thầy Chánh đại diện Phật giáo huyện Cần Giờ bày tỏ.

IMG_1.JPG
ĐĐ.Thích An Đạo - Ảnh: H.Y

Từ con số không, ĐĐ.Thích An Đạo phải nỗ lực tự thân rất nhiều để gầy dựng đạo tràng với gần 300 Phật tử như ngày hôm nay. Chùa còn được trùng tu vững chắc, bà con sống an vui, đến chùa lễ Phật tu học hàng đêm. “Cuộc sống khắc khổ của bà con đã không cho phép tôi bỏ nơi đây mà đi. Nó trở thành động lực, thôi thúc tôi mọi lúc mọi nơi, nhất là trong lúc công phu phải hạ quyết tâm cố gắng làm điều gì đó để giúp đỡ mọi người sống an vui, hạnh phúc”.

Xuất gia và tu tại chùa Thiên Trúc, TP.HCM, đến năm 23 tuổi, ĐĐ.Thích An Đạo được bổ nhiệm về chùa Phước Hải trụ trì. Ngày nhận được tin, biết Cần Giờ là vùng đất khó hoằng pháp, trong lòng cũng lo âu nhưng thầy không tưởng tượng được là khó đến… không tả được. Cầm album hình kỷ niệm năm xưa, thầy kể: “Ngày mới về nhận chùa, huynh đệ biết chuyện, ai cũng nghĩ là mình sẽ sớm khép lại nhân duyên hoằng pháp nơi đây như những vị trụ trì trước. Nhưng không ngờ, tiếng mình gõ mõ tụng kinh công phu xuyên suốt nhiều ngày liền làm người dân nghe được, từ đó kết duyên lành cho họ đến ngôi Tam bảo”.

 Phật tử Út Thương bảo: “Hồi đó thầy đóng cửa, ở suốt trong chùa tụng kinh. Thấy ông thầy này lạ, tu gì mà tụng kinh liên hồi không nghỉ, không biết đói bụng hay sao nên làng xóm rủ nhau qua chùa coi thử. Càng lại gần, thấy thầy tụng kinh càng hay, đọc kinh mồ hôi chảy ướt áo tội nghiệp nên tụi tôi mới đem cơm cúng dường thầy rồi theo thầy tụng kinh luôn từ đó”.

Vì Phật tử chưa quen với Phật pháp nên những ngày đầu thầy dành rất nhiều thời gian sau buổi công phu để trò chuyện, giải thích thắc mắc “trời ơi đất hỡi” của mọi người. Nào là: thầy còn trẻ, đẹp trai tu chi uổng, rồi tụng kinh niệm Phật khô cả họng sẽ được gì, đời sống được bao lâu ăn chay chi cho khổ... thầy đều cắt nghĩa cặn kẽ để mọi người hiểu. Rồi từ đó, người Phật tử đầu tiên đến chùa đã rủ thêm được người thứ hai, người thứ ba cùng đến tu học.

Thấy mọi người khi biết đạo rồi ham tu, thầy mừng. Thầy lặn lội đi xin huynh đệ băng đĩa, sách Phật pháp phổ thông, nội dung dễ hiểu của các vị giảng sư đem về tặng miễn phí cho các vị Phật tử xem. Dồn hết tâm sức, dìu dắt Phật tử và phát triển đạo tràng tu học ổn định.

Làng chài an cư

Sở dĩ gọi làng chài này là làng chài an cư bởi lẽ mỗi năm hai mùa, mùa xuân và mùa hạ là thầy trò làng chài bớt lại các công việc khác, đóng cửa tu học và rủ nhau làm việc thiện. Như mùa an cư kiết hạ năm nay, ngoài việc mở khóa tu, lên chương trình tu tập cho cô bác Phật tử lớn tuổi, thầy còn rủ mọi người đi tạo phước như phóng sanh, cúng dường trường hạ, xây cầu từ thiện… Đặc biệt nhất là kết hợp với giáo viên xã mở lớp dạy văn hóa, giáo lý cho các em học sinh tiểu học ngay tại chùa.
9 năm gắn bó với nơi đây là cũng chừng ấy năm thầy lặng lẽ thực hiện lời Phật dạy, với tất cả tâm huyết để bà con đến gần hơn với Phật pháp, vơi đi niềm đau nỗi khổ. 9 năm, thời gian không phải là dài so với một kiếp người nhưng những việc thầy làm ở đây thì nhiều vô kể. Đủ làm cho người ta tỉnh thức, kịp quay về xây dựng mái ấm gia đình và sống an lạc.

Sự nhiệt tình, chịu thương chịu khó của thầy không phải ai cũng thực hiện được. Để rồi hôm nay với người dân làng chài nơi đây, thầy trở thành điểm tựa, chuyển hóa khổ đau để đời sống ở đây tươi sáng hơn. “Cảm ơn vì thầy đã đến nơi đây, không bỏ chúng tôi giữa chừng trong cơn “sóng biển” cuộc đời.

Hoằng pháp được nơi đây không phải chuyện dễ, đặc biệt là đối với đàn ông mù tịt như chúng tôi, lúc trước chỉ biết nhậu, đi kiếm chuyện với thầy mà giờ biết tụng kinh, ăn chay. Tu với thầy, tôi thấy khổ đau chuyển đổi rõ ràng, gia đình hạnh phúc, con cái có việc làm, đi biển ít gặp sóng lớn nên niềm tin Phật pháp trong tôi ngày càng tăng trưởng”, một Phật tử chia sẻ.

Hạnh Ý

No comments:

Post a Comment