Wednesday, January 6, 2016

Chánh Pháp hay Mạt Pháp?


Đạo tràng Niệm Phật Vãng Sanh và Đạo tràng Di Lặc:
Chánh Pháp hay Mạt Pháp?

shared http://www.linhthuu.de/vangsanh.html

Minh Giám


Bài viết này trước hết xin tán thán công đức của TT Thích Giác Tâm đã vì sự tồn vong của Phật Pháp mà mạnh dạn viết lên bài : VẤN NẠN LOẠI TĂNG RA KHỎI TAM BẢO.
Tôi thấy đây là một bài viết rất có ý nghĩa, rất thời sự cho sự sống còn của Phật Pháp trong thời điểm này và cho tương lai.
Trong bài viết : VẤN NẠN LOẠI TĂNG RA KHỎI TAM BẢO của Ban Hộ Niệm – Niệm Phật Vãng Sanh thì thầy chỉ mới nói lên vấn đề loại trừ Tăng Bảo.
Sự thật thì họ không chỉ loại trừ Tăng bảo mà họ muốn loại trừ cả hai ngôi báu còn lại : Phật Bảo Và Pháp Bảo.
Vì sao người viết lại nói vậy…
Bản thân người viết đã từng biết và biết rất rõ về các hoạt động của họ. Nay xin được trình bày những điều mắt thấy tai nghe để các bạn đọc, đặc biệt là những Phật tử đang trăn trở cho sự tồn vong của Phật Pháp rộng đường dư luận.
Xin nói rõ Ban Hộ Niệm Vãng Sinh này hoàn toàn khác với các Ban Hộ Niệm ở các chùa lâu nay về cách thức hộ niệm tuy họ cũng mặc áo tràng lam, cũng gõ khánh, cũng lạy Phật, cũng phóng sinh.
Đây chính là cái làm cho mọi người lẫn lộn khi họ đến nhà xin hộ niệm. Ai mà không mừng khi nhà mình có hữu sự lại có đạo tràng đến hộ niệm cho. Ai cũng tưởng đây là Ban hộ niệm của các chùa … nên mời vào rồi… đau khổ.
Ai muốn tham gia Ban Hộ Niệm này cũng được, không phân biệt. Không học giáo lý, không tụng kinh nên không khó khăn lắm khi tham gia hoạt động. Bà nội trợ đang xách giỏ đi chợ thấy đang hộ niệm cũng nhảy vào tham gia, khoảng nửa tiếng thì rút lui và coi như đã xong một thời...công đức. Một người mù chữ cũng tham gia được vì không cần tụng kinh chỉ cần biết tụng Tứ Tự Di Đà.
Trừ người bị ... khuyết tật về âm thanh.
Trong Ban Hộ Niệm này đa số người không hề biết một chút gì về giáo lý Phật đà dù đã tham gia sinh hoạt hộ niệm hơn hai năm. Với họ Phật giáo chỉ là 4 chữ Di Đà và một cuốn kinh Vô Lượng Thọ.
Ban Hộ Niệm này tự cho rằng người lâm chung nào được họ hộ niệm chắc chắn sẽ được vãng sinh, dù trước đây người này có tạo ác nghiệp.
Những trường hợp mà họ cho là không được vãng sinh đó là: không nghe lời họ mà đi mời Tăng, Ni về nhà trong lúc họ đang hộ niệm hoặc làm các việc riêng như chuẩn bị cho tang lễ, gọi điện báo cho người thân ở xa. Có những nhà làm không đúng ý họ thì họ sẽ giận dữ, đùng đùng bỏ về đồng thời phán lại vài câu xanh rờn và hết sức khủng khiếp là linh hồn của người mất này đã bị đọa vào súc sinh.
Người nhà vô cùng ngạc nhiên: “Sao đạo Phật mà sao không từ bi chút nào vậy”.
Loại trừ Phật bảo
Trong hệ thống kinh điển của Phật giáo từ xưa đến nay việc niệm hồng danh Chư Phật, Chư Bồ Tát đều phải gắn liền với hai đại tự đầu là Nam Mô.
Nam Mô có nghĩa là quy mạng lễ, quy y, quay về, xin nương tựa.
Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng (Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng)
Nhưng không hiểu vì lý do gì câu niệm hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật đã từ lâu mà đại chúng luôn trì niệm thì đạo tràng này cứ khuyến khích mọi người bỏ hai chữ Nam Mô để chỉ còn A DI ĐÀ PHẬT.
Tôi có thắc mắc thì Ban Hộ Niệm trả lời rằng người sắp lâm chung tứ đại rã rời nên không còn đủ sức để niệm hai chữ Nam Mô nữa nên bỏ cho gọn …
Lý do thứ hai họ cho rằng nay đã là thời mạt pháp nên chúng sinh chỉ cần niệm bốn chữ cho nhanh, cho kịp về Tây Phương Cực Lạc.
Ban Hộ Niệm khi vào nhà người có người lâm chung thấy gia đình thờ Phật Thích Ca liền bảo gia đình lấy vải che lại hoặc xoay hình, tượng Phật Thích Ca úp mặt vào tường để họ để tượng Phật A Di Đà lên rồi hộ niệm. Họ bảo Phật Thích Ca không có khả năng cứu độ người lâm chung ???
Sau đó họ treo Đức Phật A Di Đà chung quanh giường của người mất bất kể nơi đó không được thanh tịnh cho lắm.
Một hình Đức Phật A Di Đà được dí sát vào mặt nguời mất để … phóng quang.
Khi đi ngang qua hình ảnh Phật Thích Ca họ không còn tôn trọng, không chắp tay bái sám vị giáo chủ đã để lại hệ thống giáo lý vĩ đại mà tinh thần Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo mãi là kim chỉ nam cho con đường tu hành giải thoát giác ngộ.
Trong đại lễ Phật Đản vừa qua có một số người không còn coi là quan trọng vì trong họ bây giờ chỉ còn có cực lạc vãng sinh. Họ thấy ai lo cho ngày Phật Đản họ cười cười mà rằng: người này quá thiếu phước nên không thấy thời mạt pháp(?) đang đến gần, giờ này mà còn lo cho ông Phật đang chuẩn bị đi vào … quá khứ.
Khi không còn tôn kính và thực hành theo lời dạy của vị giáo chủ khai sinh ra đạo Phật nữa thì đạo Phật đi về đâu …??
Các bạn hãy nghĩ xem trên thế giới người ta yêu chuộng về đạo Phật vì cái gì ? Tức nhiên đó là sự minh triết, khoa học và lòng từ bi vô hạn.
Loại trừ Pháp bảo
Theo tinh thần của Ban Hộ Niệm do gần thời mạt pháp nên việc học giáo lý Phật pháp đó là việc không cần thiết nữa. Không còn thời gian, quá nguy cấp … thậm chí nguy nên chúng sinh chỉ cần nắm chắc “Tứ Tự Di Đà ” A Di Đà Phật là chắc chắn nắm được phao … vãng sinh Tây phương.
Một vị Tăng hiện nay đang truyền bá pháp môn “Niệm Phật Vãng Sinh” tại Việt Nam khẳng định rằng Phật tử không cần phải tụng hoặc nghiên cứu kinh điển nào cả chỉ cần thuộc kinh Vô Lượng Thọ là chắc chắn vãng sinh (các bạn tìm xem các băng của thầy này giảng).
Trong một bức thư ngỏ của một người có tên là Tịnh Hải ở Úc Châu kính gửi Chư Tôn Đức Tăng Ni Các Chùa Việt Nam Khắp Thế Giới và tâm thư gửi Chư Liên Hữu Đồng Tu Pháp Môn Niệm Phật Cầu Vãng Sinh Cực Lạc Thế Giới (nguyên văn) có đoạn viết về HT Thích Đức Niệm là một cao tăng tu hành cẩn trọng có công dịch, viết, ấn tống nhiều kinh, sách giá trị, lập chùa, đào tạo nhiều tăng ni nhưng khi đọc các sách của hội đồng tu thì một hôm ngài buột miệng nói rằng “ngài cần gác bỏ mọi Phật sự đem cuộc đời còn lại để nhập thất niệm Phật thì mới mong cực lạc vãng sinh”
Bức tâm thư viết tiếp: từ câu nói này của Hòa Thượng chúng tôi tìm ra thấy: Không phải ai mặc áo cà sa, tụng vô số kinh, viết vô số sách phật, đào tạo vô số tăng ni mà khi chết có thể siêu thoát, được Phật rước . Những công việc như trì chú, tụng kinh, viết sách, dịch kinh, đào tạo tăng ni chỉ là phước đức như tiền để trong nhà băng.
Bức tâm thư còn khẳng định rằng: Niệm Phật mà còn xen lẫn tụng kinh tức là còn xen tạp, đã vậy cuối tuần còn lạy hồng danh sám hối, tụng lương hoàng sám nữa. Có cái sám nào diệt nghiệp chướng hơn bốn chữ A Di Đà Phật. Niệm phật mà còn xen tạp tụng kinh thì làm sao được vãng sinh. 28 vị tổ của thiền tông Ấn Độ và 05 vị tổ thiền tông trung hoa vị nào cũng đều chứng đắc dễ dàng, sau đó rơi rớt dần vì các ngài biết không thể đoạn diệt vọng tưởng nên các ngài đều quy hướng tịnh độ lấy đá đè cỏ nương vào thần lực và danh hiệu của A Di Đà Phật để mà vãng sinh cực lạc.
Bức tâm thư này kêu gọi mọi phật tử chỉ nên nghe băng giảng của HT Tịnh Không đừng nghe băng giảng bừa bãi (???). Chỉ nên ấn tống Kinh Vô Lượng Thọ không nên ấn tống kinh sách không công đức(???).
Bức tâm thư này còn tán thán sự dũng mãnh của sư cô Như Trí ở chùa Phổ Quang San Diego trước đây luôn tụng kinh Pháp Hoa và Kinh Hoa Nghiêm, nay cô kiên quyết từ bỏ không tụng hai bộ kinh này nữa và chỉ tụng Vô lượng Thọ. Mặc dù các phật tử của sư cô yêu cầu tụng hai bộ kinh kia nhưng sư cô nhất quyết giữ vững ý chí của mình vì tụng kinh Hoa Nghiêm hay Pháp Hoa thì sợ sinh ra nhị tâm làm cho việc niệm Phật bị xen tạp …
Nhưng tụng kinh Vô lượng Thọ thì không sao … thật mâu thuẫn.
Phật tử mà không còn tụng các bộ kinh Pháp Hoa hay Hoa Nghiêm, Lương Hoàng Sám , hoặc Hồng Danh Sám Hối, không nghiên cứu giáo lý thì ngôi báu thứ hai sẽ ra sao …
Việc này làm ta nhớ đến ngày xưa, thực dân, phong kiến dùng chính sách ngu dân không muốn ai học hành để dễ bề cai trị.
Đây là một phương pháp loại trừ Pháp Bảo một cách tinh vi.
Kính thưa quý độc giả Phattuvietnam.net hãy rộng đường dư luận về những gì tôi viết ra đây. Thế nào là băng giảng bừa bãi, thế nào là ấn tống kinh sách không công đức, thế nào gọi là tụng kinh bị xen tạp. Ai cũng biết công việc đào tạo tăng,ni viết sách, dịch kinh không phải ai cũng làm được. Chỉ có các bậc cao tăng xuất trần mới làm được.
Ấy vậy mà ông Tịnh Hải lại cho rằng các bậc ấy cũng không có một chút công đức nào cho con đường giải thoát mà phải đợi đọc sách của hội cộng tu niệm Phật Úc Châu thì mới thấy, mới biết được con đường mình phải đi … ngạc nhiên thật.
Loại trừ Tăng bảo
Khi họ hộ niệm thì trong gia đình, không ai được làm gì cả kể cả công tác chuẩn bị cho tang lễ, cả nhà phải tắt hết điện thoại trong thời gian hơn 12 giờ đồng hồ hoặc hơn nữa theo sự phán quyết của đạo tràng. Theo quy trình của ban hộ niệm vãng sinh thì một thời niệm danh hiệu Phật từ lúc bắt đầu cho đến lúc được vãng sinh (?) là 12 giờ, nếu họ cảm thấy chưa vãng sinh thì họ lại niệm thêm vài tiếng nữa cho đến khi nào thấy “vãng sinh” thì họ vỗ tay vui mừng???
Trong thời gian hộ niệm thì gia đình phải chấm dứt mọi sự liên lạc với người ngoài, không động vào người mất dù họ đang nằm trong tư thế nào, người quá cố có đại tiện, tiểu tiện trước khi lâm chung cũng không được rửa ráy thay quần áo.
Không được mời thầy ở các chùa về nhà trong lúc họ hộ niệm.
Vì vậy, có những cảnh tréo ngoe khi có những gia đình có bà con ở xa nghe tin báo liền vội vã lên đường. Nhưng khi đến bến xe liên lạc với tang chủ thì điện thoại cầm tay bị ò í e..ò í e vì bị Ban Hộ Niệm cấm tiệt.
Điều làm cho chúng ta thấy bức xúc nhất là trong lúc họ đang hộ niệm mà có tăng, ni đến thì họ khó chịu ra mặt và kiên quyết không cho tăng, ni vào làm lễ.
Gia đình nào làm sai hoặc để cho Tăng, Ni vào nhà làm lễ họ sẽ bỏ về nửa chừng và phán một câu xanh rờn: do gia đình không thành tâm nên cuộc hộ niệm này bất thành và bây giờ hương linh đã trở thành ngạ quỷ đọa vào a tỳ địa ngục đau khổ triền miên.
Nhiều gia đình không am hiểu phật pháp thì hoảng hốt bất an trong nhiều ngày... than khóc không nguôi.
Khi họ đến hộ niệm thì tang quyến không cần phải lo gì cả. Họ niệm bất kể ngày đêm, không nề hà lễ, tết.
Không nhận cúng dường. Họ di chuyển bằng các phương tiện tự có không đòi hỏi gia chủ phải đưa rước.
Họ dùng cơm của mình, tang quyến không phải lo cơm, nước cho họ.
Họ cho rằng tăng, ni hiện nay tu hành không đúng pháp. Còn tụng kinh, còn sử dụng pháp khí nên bị xen tạp không nhất tâm nên không có khả năng cứu độ vãng sinh. Vô hình chung quý tăng, ni của chúng ta chỉ còn là thầy cúng, thầy nhập liệm, thầy cúng cơm, thầy mai táng.
Còn phần tâm linh cứu độ giúp cho hương linh vãng sinh là của họ. Họ giúp cho vãng sinh mà không phải tốn kém hay lễ nghi gì cả.
Đây là đòn chí mạng đánh vào lòng các phật tử sơ cơ họ sẽ so sánh vấn đề này giữa Ban Hộ Niệm và quý Tăng, Ni.
Dĩ nhiên là họ sẽ chọn Ban Hộ Niệm và loại bỏ tăng, ni.
Trong cuốn tâm thư gửi bạn đồng tu của ông Tịnh Hải phân tích việc tại sao cúng dường sư lại bị đọa địa ngục đồng thời kêu gọi mọi người không nên cúng dường cho tăng, ni phải để cho tăng, ni “dĩ khổ vi sư” lấy khổ làm thầy và cho rằng tăng, ni phải thấy khổ là tốt. Chư vị xuất gia cần phải sống thiếu thốn để nhớ đến bổn nguyện của mình để hết lòng cầu đạo. Ông Tịnh Hải cho rằng do quan niệm sai nên ngày nay nhiều phật tử thấy quý thầy cô sống thiếu thốn nên thương và tội nghiệp nên cúng dường vô tình phạm tội phá hoại Phật pháp(???).
Bức tâm thư còn dẫn lời của Hòa Thượng Tịnh Không: “Không cần cúng dường, không cần đạo tràng, điều gì cũng không cần, tâm sẽ thanh tịnh. Đó chính là đạo tâm”
Bức tâm thư còn khuyến khích mọi người nên quy y với Phật A Di Đà để được vãng sinh. Họ còn phân tích rằng tại sao có những người đã quy y rồi mà vẫn bị đọa địa ngục. Một số Tăng, Ni khi lâm chung vẫn không tự tại …
Đạo Di Lặc
Trong lúc hoạt động của Đạo Tràng Niệm Phật Vãng Sinh trên cả nước còn đang nóng bỏng chưa có cách giải quyết thì lại xuất hiện thêm ĐẠO DI LẶC TÔN PHẬT.
ĐẠO DI LẶC này tuy số lượng người theo chưa đông nhưng mục tiêu loại bỏ Tam Bảo thì ra mặt. Không úp úp, mở mở như đạo tràng niệm Phật vãng sinh.
Họ không đi chùa, không mặc áo tràng lam, không tụng kinh nào trong hệ thống kinh điển Phật Giáo, không lạy Phật theo truyền thống Phật giáo mà họ có một kiểu lạy khác được gọi là khấu đầu. Họ có những nghi thức riêng, có những lớp giáo lý riêng và được huấn luyện nâng cao từng bậc.
Thành viên của đạo tràng này là người sơ cơ đang tìm hiểu Phật pháp và những Phật tử lâu nay đang tham gia tu tập ở các chùa, tịnh xá nhưng việc am hiểu giáo lý thì rất yếu hoặc không biết gì nên dễ bị dụ dỗ.
Cũng như Đạo Tràng Niệm Phật Vãng Sinh mục tiêu của họ là kêu gọi mọi người rằng đã gần đến thời mạt pháp. Trong khi Đạo Tràng Niệm Phật thì cầu vãng sinh bằng nhiều cách hết sức dị đoan, thì Đạo Tràng Di Lặc kêu gọi mọi người rằng sắp đến ngày ngài Di Lặc mở hội Long Hoa vì vậy mọi người phải nhanh chóng từ bỏ những pháp môn đang tu hiện tại để quay về quy y với Phật Di Lặc để được ngài cứu vớt.
Khi đã khấu đầu với Phật Di Lặc thì không nên đến chùa, không nên cúng dường tu sĩ, không đọc kinh của Thích Ca. Họ tuyên bố với những người theo họ rằng chùa chiền, tu sĩ, kinh điển chỉ tồn tại trong thời đại của Phật Thích Ca.
Hiện nay, họ đang lẫn lộn trong các chùa trên cả nước, đang âm thầm lôi kéo các Phật tử từ bỏ Tam Bảo để về với Phật Di Lặc.
Phật Giáo sẽ đi về đâu khi hai đạo tràng này ngày càng phát triển bởi sự thiếu học hỏi giáo lý Phật Đà của số đông Phật tử chưa kể đến sự ủng hộ của một số Tăng, Ni đưa các đạo tràng Niệm Phật Vãng Sinh về chùa sinh hoạt vô tình các Phật tử lại cứ tưởng đây là một pháp môn chân chính của Giáo Hội PGVN.
Đây là thủ đoạn tinh vi của ngoại đạo đang đánh vào Phật Giáo. Họ đánh mà không cần ra mặt xưng tên cho người ta biết tôi đang đánh anh đây. Họ dùng chiêu “nồi da nấu thịt ” hay “lấy mỡ nó rán nó"
Họ dùng đạo Phật đánh đạo Phật.
Dùng Phật quá khứ và Phật tương lai để đánh Phật hiện tại.
Phật hiện tại không còn thì mới mạt pháp.
Khi Tam Bảo không còn thường trụ trên thế gian này thì mới mạt pháp.
Khi chúng ta không còn sống và thực hiện Tứ Diệu Đế - Bát Chính Đạo thì lúc đó mới mạt pháp.
Đau lòng nhất là các Phật tử đang sinh hoạt với họ thì vẫn yên chí lớn vì “tôi vẫn theo đạo Phật đấy thôi, tôi đâu có thờ người khác đâu mà lo”.
Ai là tác nhân làm cho mạt pháp.
Xin mọi người rộng đường dư luận.

Nguồn: http://www.phattuvietnam.net/diendan/16447.html

No comments:

Post a Comment