Friday, December 30, 2016

Elon Musk


Elon Musk (sinh ngày 28 tháng 6 năm 1971) là một nhà phát minh, doanh nhân, tỉ phú người Nam Phi.[2] Ông được biết đến nhiều nhất vì đã sáng lập SpaceX và đồng lập Tesla Motors và PayPal. Tại SpaceX ông là CEO và Trưởng bộ phận thiết kế và ở Tesla Motors ông là Chủ tịch, CEO và Kiến trúc sư sản phẩm. Musk cũng là Chủ tịch của SolarCity.
Từ nhỏ đã tỏ ra là một thần đồng, ông sang Canada năm 17 tuổi rồi sau đó là Hoa Kỳ để học tập và theo đuổi ước mơ phát triển các công nghệ thay đổi tương lai loài người. Ông là người đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thanh toán trực tuyến, phát triển năng lượng sạch và các hệ thống giao thông tiên tiến, chinh phục không gian,... Ông là người gây cảm hứng cho nhân vật Tony Stark trong Iron Man.Ông là người mà nhiều người hâm mộ.

Tuổi trẻ và học tập

Elon Musk sinh ra tại Pretoria, Nam Phi trong một gia đình có cha, Errol Musk, là người Nam Phi và mẹ, Maye Haldeman là người Canada.[4][5][6] Từ khi còn rất nhỏ Elon đã tự mình học lập trình, và ở tuổi 12 cậu đã bán phần mềm đầu tiên của mình- một trò chơi không gian tên là Blastar- với giá khoảng 500 đô la[7].
Sau khi học hai năm lớp 8, 9 ở trường Trung học Bryanston, Musk trúng tuyển vào Trung học nam sinh Pretoria. Ông rời quê nhà năm 1988 ở tuổi 17 để tránh nghĩa vụ quân sự trong quân đội Nam Phi bấy giờ bảo vệ chế độ Apartheid như ông từng kể: " Tôi không có vấn đề gì với việc phục vụ quân đội, tuy nhiên phục vụ trong quân đội Nam Phi đàn áp người da đen không có gì là một cách hay để tiêu tốn thời gian"[7]. Ông muốn tới Hoa Kỳ, từng nói rằng: "Đó là nơi những điều vĩ đại có thể thực hiện"[8].
Năm 1992, sau khi học hai năm tại Queen's University, Kingston, Ontario, Musk rời Canada theo học đồng thời ngành kinh doanh và vật lý tại Đại học Pennsylvania, nhận hai bằng cử nhân Kinh tế và Vật lý tại đây[9][10]. Sau đó, ông chuyển tới Thung lũng Silicon, California và theo học tiến sĩ về Vật lý Ứng dụng và Khoa học Vật liệu tại Đại học Standford. Ông bỏ ngang việc làm nghiên cứu sinh để theo đuổi cách mạng công nghệ, lấy cảm hứng từ những nhà cách tân trước đó như Nikola TeslaBill GatesSteve Jobs, và Walt Disney,[11] Musk xem xét ba lĩnh vực mà ông muốn tham dự mà ông cho là những vấn đề sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới tương lai nhân loại, "Một là Internet, hai là năng lượng tái tạo, ba là chinh phục không gian."[7]

Sự nghiệp kinh doanh

Năm 1995, Musk khởi nghiệp với dự án Zip2, cung cấp phần mềm ấn hành nội dung số cho các tổ chức mới, cùng với em trai Kimbal Musk.[12]. Năm 1999, bộ phận AltaVista của Compaq mua lại Zip2 với 307 triệu đô la tiền mặt và 34 triệu đô la cổ phiếu.[13]

PayPal

Musk đồng sáng lập X.com, một công ty về dịch vụ tài chính trực tuyến và thanh toán qua email tháng 3 năm 1999. Một năm sau đó, trong một cuộc sáp nhập 50/50 về vốn[14], X.com mua lại Confinity,[15] một hãng vận hành một hệ thống thanh toán đấu giá có quy mô tương tự như X.com, gọi tên là Paypal. Musk đã sắp xếp thương vụ này do niềm tin vào việc chuyển khoản trực tiếp đang nở rộ của công nghệ P2P[15]. Musk tin rằng nhánh con Confinity sẽ trở thành phương tiện cần thiết để tích hợp và phát triển một nền tảng thanh toán giữa các cá nhân bên trong X.com.[15] Công ty kết hợp ban đầu thu nhận X.com làm tên tập đoàn, nhưng vào tháng 2 năm 2001, X.com đổi tên chính thức của nó thành Paypal Inc. Musk đã cổ vũ mạnh mẽ cho trọng tâm của một Paypal mới nhằm vào hệ thống thanh toán toàn cầu và rời khỏi những sự cung cấp tài chính lõi của X.com[16].
Sự phát triển ban đầu của PayPal phần lớn là do một chiến dịch phát triển rộng khắp thành công của Musk.[17] Tháng 10 năm 2002, PayPal được eBay mua lại với giá 1.5 tỷ giá trị cổ phiếu.[18]. Vào thời điểm bán, Musk, cổ đông lớn nhất của công ty, nắm 11.7% cổ phiếu của PayPal[19].

SpaceX

Musk cùng Tổng thống Barack Obama tại bãi phóng Falcon 9 năm 2010
Musk thành lập công ty thứ ba của ông, Space Exploration Technologies (SpaceX), vào tháng 6 năm 2002[20] và hiện là CEO và Giám đốc Kỹ thuật của tập đoàn này. SpaceX phát triển và chế tạo các phương tiện phóng ra không gian với trọng tâm hướng vào việc phát triển công nghệ tên lửa. Hai tên lửa đầu tiên của công ty là Falcon 1 và Falcon 9 và phi thuyền đầu tiên của nó mang tên Dragon.[21]
SpaceX đã giành được hợp đồng 1,6 tỷ đô la với NASA ngày 23 tháng 12 năm 2008, cho 12 chuyến bay của Falcon 9 và Dragon vào Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, thay thế cho Space Shuttle của NASA sau khi nó hết thời gian hoạt động năm 2011. Ban đầu, Falcon 9/Dragon sẽ thay thế chức năng vận tải hàng hóa của Shuttle và việc vận chuyển phi hành gia sẽ được thực hiện bởi Tàu vũ trụ Soyuz. Tuy nhiên, SpaceX đã thiết kế Falcon 9/Dragon nhằm vào việc vận chuyển phi hành gia và Ủy ban Augustine (Cơ quan Hoa Kỳ phụ trách các chuyến bay có người lái vào vũ trụ) đã khuyến nghị việc vận tải hành khách bởi các công ty thương mại như SpaceX.[22]
Musk nói rằng ý tưởng về công nghệ vũ trụ của mình chịu ảnh hưởng từ series "Foundation" của Issac Asimov [23], và xem việc khai phá vũ trụ như một bước quan trọng trong việc mở rộng—nếu không nói là bảo tồn-sự hiểu biết của đời sống con người.[24] Musk từng nói rằng sự sống trải trên nhiều hành tinh khác nhau có thể đóng vai trò như một hàng rào ngăn chặn những mối đe dọa sự tồn vong của loài người. "Một thiên thạch hay một siêu núi lửa có thể hủy diệt chúng ta, và chúng ta đối mặt với những thảm họa mà khủng long chưa từng biết tới: một virus được lập trình, một sự hình thành do sơ suất một vi lỗ đen, sự ấm lên toàn cầu thảm họa hoặc một công nghệ thậm chí chưa được biết đến nào đó có thể báo hiệu sự tiêu vong của chúng ta. Nhân loại đã tiến hóa hàng triệu năm, nhưng trong 60 năm gần đây các vũ khí nguyên tử tạo nên nguy cơ tiêu diệt chính chúng ta. Sớm hay muộn, chung ta phải mở rộng sự sống ra ngoài trái cầu xanh lam này-hoặc là tuyệt chủng." [25] Mục tiêu của Musk là giảm giá thành của một chuyến bay có chở người xuống còn 1/10 hiện nay.[26] Ông thành lập SpaceX với 100 triệu đô la từ tài sản ban đầu của mình. Ông hiện vẫn đóng vai trò điều hành lẫn chỉ đạo kĩ thuật của công ty đóng ở Hawthorne, California này.[27]
Trong 7 năm, SpaceX đã thiết kế dòng thiết bị phóng Falcon và phi thuyền đa mục đích Dragon từ chỗ không có gì. Tháng 9 năm 2009, tên lửa Falcon 1 trở thành phương tiện nhiên liệu lỏng đầu tiên do tư nhân hùn vốn đưa được một vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất. NASA đã chọn SpaceX để tham gia vào dự án đầu tiên tin cậy các công ty tư nhân vận chuyển hàng hóa tới ISS. Hợp đồng này, có giá trị từ 1.6 tỉ tới 3.1 tỷ đô la, là một dấu mốc quan trọng của trạm vũ trụ trong việc vận chuyển hàng tới trạm và trở lại. Bên cạnh những dịch vụ này, mục tiêu của SpaceX còn bao gồm việc đồng thời hạ giá các chuyến bay tới quỹ đạo và cải thiện độ tin cậy lên cỡ mười lần, trong khi tạo nên thiết bị phóng ra quỹ đạo đầu tiên có thể hoàn toàn tái sử dụng. Tuy hiện đang trong giai đoạn tìm cách đưa người ra ISS, năm 2011 Musk khẳng định mục đích cá nhân của ông là đưa người ra khai phá và định cư ở Sao Hỏa, trong khoảng 10-20 năm nữa.[28] Ngày 25 tháng 5 2012, tàu SpaceX Dragon đáp xuống ISS, ghi dấu mốc lịch sử lần đầu tiên có một công ty tư nhân phóng và đáp thành công một phương tiên xuống Trạm Vũ trụ Quốc tế [29].

Tesla Motors

Musk quan sát một bản mẫu lắp ráp trong sự kiện tái mở cửa nhà máy NUMMI, nay là Tesla Motors (Fremont, CA) năm 2010
Tesla Motors được Martin Eberhard và Marc Tarpening gây vốn vào tháng 7 năm 2003, Musk đầu tư thành lập tháng 2 năm 2004 và trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị; nhưng đam mê của ông với ô tô điện đã có từ thời còn trẻ[30]. Do ảnh hưởng của khủng hoàng tài chính thế giới năm 2008 và kéo theo đó là một đợt cắt giảm nhân lực bắt buộc ở Tesla, Musk buộc phải đảm nhận thêm vị trí CEO[31]. Ông khẳng định đường hướng của công ty là đầu tiên phát triển những chiếc xe thể thao hạng sang để thu hút sự quan tâm tới xe điện và kiếm lợi nhuận ban đầu nhằm nuôi mục đích lâu dài là cung cấp ô tô điện phổ biến cho người bình dân, giảm đáng kể lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu [32][33].
Musk đóng vai trò tích cực trong công ty và đặc biệt chỉ đạo thiết kế các mẫu sản phẩm cũng như định hướng chiến lược, nhưng dù là CEO ông không liên hệ sâu vào việc điều hành kinh doanh hàng ngày[34]. Ông được cho là nắm 32% cổ phần tại Tesla, tập đoàn này được định giá 13.9 tỷ đô la vào tháng 7 năm 2013[35][36]
Mẫu xe điện thể thao đầu tiên, Tesla Roadster 2008, với giá khởi điểm 109 ngìn đô la/chiếc bán được khoảng 2500 đơn vị tới 31 quốc gia, đồng thời bản thử nghiệm của nó nhận giải "Phát minh xuất sắc nhất" năm 2006 của tạp chí Time trong lĩnh vực "Phát minh về vận tải"[37].[38]Tesla Model S, chiếc sedan xuất hiện trên thị trường tháng 6 năm 2012 đã trở thành hiện tượng của năm, đạt một loạt giải thưởng như giải Xe tiêu biểu nhất của năm 2013 của tạp chí Automobile[39]. Nó bán được 2650 đơn vị trong năm 2012 ở Hoa Kỳ[37] và 4900 đơn vị tại Bắc Mỹ chỉ trong quý I 2013, trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất trong khu vực[40]. Model X, mẫu xe SUV-minivan, được giới thiệu tháng 9 năm 2012 và sẽ được bán ra năm 2014[41].
Musk cùng với Thượng nghị sĩ bang California Dianne Feinstein một chiếc Tesla Model S (2010)
Bên cạnh việc bán xe điện thương hiệu Tesla, Tesla Motors còn cung cấp động cơ điện cho Mercedes-BenzToyota và Musk dự tính sẽ cung cấp một mạng lưới các trạm sạc điện siêu nhanh cho ô tô trên khắp Bắc Mỹ trong năm 2013[42] Tháng 5 năm 2013, Tesla Motors cho thấy quý đầu tiên hoạt động có lợi nhuận kể từ khi nó niêm yết cổ phiếu năm 2011[43].

SolarCity

Elon Musk là người đề xuất ý tưởng ban đầu cho SolarCity, một công ty do hai người anh em họ của ông, Peter (COO) và Lyndon Rive (CEO), thành lập năm 2006[44][45]. Elon Musk hiện giữ chân Chủ tịch và là cổ đông lớn nhất của SolarCity, định hướng nó cùng với Tesla Motors như một phần trong chiến dịch chống lại sự ấm lên toàn cầu[46]. Sau vài năm phát triển, SolarCity, chủ yếu hoạt động ở California, đã vươn lên thành nhà cung cấp năng lượng mặt trời cho dân cư lớn nhất Hoa Kỳ từ năm 2011.[47]. SolarCity cũng bước chân vào lĩnh vực ô tô điện từ năm 2009[48], và hợp tác với Tesla Motorrs nhằm kết hợp pin diện ô tô với pin mặt trời, cung cấp các trạm sạc miễn phí cho xe điện hiệu Tesla và phương tiện lưu trữ điện mặt trời trong những thời điểm công suất hoạt động thấp[49][50]. SolarCity cũng tham gia các chương trình từ thiện, đầu tư các dự án hợp tác với chính phủ, quân đội, và các công ty khác như Google Inc. với Google Fund[51]. Lyndon Rive kể rằng Elon Musk chỉ có rất ít thời gian cho SolarCity, chỉ liên lạc qua điện thoại vài giờ mỗi tháng và họp hội đồng quản trị, nhưng vẫn bao quát hoạt động công ty.[50]

Làm từ thiện và các hoạt động khác

Musk là chủ tịch của Quỹ Musk, tập trung vào các hoạt động từ thiện phi lợi nhuận trong các lĩnh vực giáo dục khoa học, chăm sóc y tế cho trẻ em và năng lượng sạch. Ông là ủy viên quản trị của Quỹ X Prize khuyến khích các công nghệ năng lượng tái tạo. Ông cũng có chân trong Hội đồng quản trị Quỹ Không gian, Viện Hàn lâm Quốc gia về Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ, Hiệp hội Hành tinh, cũng như Hội đồng Tư vấn Kỹ thuật Đại học Standford và Hội đồng quản trị Caltech.
Ông khởi động một chương trình nhiều triệu đô la năm 2010 để quyên góp cho các hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời cho các nhu cầu thiết yếu trong các khu vực chịu thiên tai. Hệ thống đầu tiên như vậy được tặng cho Trung tâm đáp ứng bão nhiệt đới Alabama vốn không được chính quyền bang và liên bang hỗ trợ. Để tỏ rõ rằng điều này không phục vụ những lợi ích thương mại của Musk, SolarCity tuyên bố rằng nó không có hoạt động kinh doanh hiện tại hay được lên kế hoạch nào ở Alabama.[52] Tháng 9 năm 2011, Musk tới thăm thị trấn Soma thuộc quận Fukushima (Nhật Bản) nơi mới bị sóng thần trước đó, và tặng một dự án năng lượng mặt trời trị giá 250 nghìn đô la cho nơi này [53]
Musk đã có kế hoạch cho một dự án mang tên "Ốc đảo Sao Hỏa" vào năm 2001 nhằm mục đích đưa một nhà kính thu nhỏ có tính thí nghiệm lên Sao Hỏa, chứa các loại rau quả để trồng trên đất sao Hỏa[54]. Dự án này bị Musk treo lại do ông sau đó đi tới kết luận rằng vấn đề cơ bản ngăn cản con người có thể trở thành một nền văn minh sinh sống ngoài không gian thực sự là việc thiếu một tiến bộ bước ngoặt trong công nghệ tên lửa; đó chính là thời điểm ông tập trung trí óc tiền bạc vào dự án SpaceX.
Mục tiêu dài hạn của Musk là thông qua SpaceX đưa loài người tới một nền văn minh ngoài không gian thực thụ.[55] Cụ thể, ông định đưa được nhìn thấy trong đời mình, một thuộc địa với 80000 dân được thành lập trên Sao Hỏa. Ông hy vọng sẽ trên hành tinh đỏ, nói rằng: "Hẳn sẽ khá thú vị để chết trên Sao Hỏa..."[23]
Musk tham gia vào Cam kết Hiến tặng, do Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng, vào tháng 4 năm 2012, cam kết sẽ tặng phần lớn tài sản của mình cho các mục đích từ thiện.[56]
Musk cũng được tường thuật là đã hỗ trợ cho một nỗ lực của Matthew Inman của website The Oatmeal để bảo tồn phòng thí nghiệm của nhà phát minh vĩ đại Nikola Tesla trên Long Island, New York và đưa nó trở thành một bảo tàng mang tên Trung tâm Khoa học Tesla tại Wardenclyffe.[57]
Musk từng tham gia ủng hộ Ủy ban Hành động Chính trị Hoa Kỳ FWD.us, một tổ chức vận động nghị trường cho cải cách chính sách nhập cư do các doanh nhân ở Thung lũng Silicon đại diện bởi Mark Zuckerberg gây dựng. Tuy nhiên tháng 5 năm 2013, Musk công khai rút bỏ sự ửng hộ khi FWD.us đưa ra quảng cáo cho một dự án vận chuyển dầu thô đi ngược lại lý tưởng bảo vệ môi trường của ông. Cùng với một số thành viên khác như David Sacks, ông rút khỏi tổ chức và phê phán chính sách của tổ chức vận động hành lang thường ủng hộ cả hai chiều hướng chính trị cùng lúc để kiếm sự hậu thuẫn từ giới lập pháp, gọi điều đó là "vô đạo đức"[58]:"Bạn phải chiến đấu trên lẽ phải của mục đích, chứ khong phải chơi một trò Machiavelli mà bạn đồng ý ủng hộ những thứ xấu xa để những thứ tốt đẹp được thông qua"[23].
Tháng 7 năm 2012, Musk thông báo về một dự án hoàn toàn mới của ông mang tên "Hyperloop", một hệ thống đường hầm phản lực chạy bằng năng lượng mặt trời, được ông kì vọng là sẽ cho phép di chuyển từ San Francisco tới Los Angeles trong vòng ít hơn 30 phút (nghĩa là gần đạt tới tốc độ âm thanh)[59]. Elon Musk dự trù dự án này tiêu tốn khoảng 6 tỷ đô la, tức chỉ bàng một phần 10 chi phí xây dựng đường tàu cao tốc; các chi tiết thiết kế của Hyperloop sẽ được Musk công bố tháng 8 năm 2013.[60]

Được ghi nhận

Những thành tựu đạt được đã đưa Elon Musk lên vị trí một trong những doanh nhân nhiều ảnh hưởng nhất thế giới cũng như một biểu tượng của ngành công nghệ không gian. Ông xuất hiện trong danh sách 100 nhân vật quan trọng nhất thế giới năm 2010 của tạp chí Time[61], danh sách 75 nhân vật ảnh hưởng nhất thế kỉ 21 của tạp chí Esquire[24], danh sách 20 CEO quyền lực nhất Hoa Kỳ tuổi dưới 40 của Forbes.[62], danh hiệu Nhà cách tân của năm (2007) của tạp chí R&D Magazine[63], Doanh nhân của năm (2007) của tạp chí Inc Magazine[64], xếp vào những Huyền thoại sống hàng không năm 2010 bởi Quỹ Kitty Hawk (2010)[65], Doanh nhân ô tô của năm (2010)[66].
Ông cũng nhận các giải thưởng như Huy chương Vàng của Hội Hoàng gia Hàng không học Anh (2012),[67] Huy chương Vàng Không gian của Liên đoàn Hàng không Quốc tế (FAI) năm 2010 [68], Giải thưởng Heinlein cho Tiến bố trong Thương mại hóa Không gian năm 2011[69], Giải thưởng George Low của Viện Hàng không và Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ,[70] Cúp Von Braun của Hội Không gian Quốc gia.[71]
Ông nhận bằng tiến sĩ danh dự ngành thiết kế từ Cao đẳng Thiết kế Trung tâm[72] và bằng tiến sĩ danh dự ngành kĩ thuật hàng không từ Đại học Surrey[73].
Đạo diễn bộ phim Iron Man kể lại rằng Elon Musk chính là nhân vật đã gây cảm hứng để xây dựng nhân vật Tony Stark trong bộ phim ăn khách nói trên[61]. Bản thân Elon cũng được ví như một Iron Man ngoài đời thực và ông có tham gia một cảnh (đóng vai chính mình)[74] trong Iron Man 2 với tư cách diễn viên khách mời (cameo), trong khi nhà máy của SpaceX là một địa điểm quay phim nói trên[75]. Chiếc máy bay Dassault Falcon 900 model 1994 của ông được dùng trong bộ phim "Thank You for Smoking" (2005) mà ông có đóng một vai cameo là phi công[76][77]

Gia đình và đời sống cá nhân

Elon Musk sống ở Bel Air, Los Angeles. Ông từng có hai vợ, người đầu là một sinh viên cùng học ở Đại học Queen đã trở thành nhà văn. Họ cưới nhau năm 2000 và có 5 con trai (một cặp sinh đôi và một bộ sinh ba) trước khi ly dị năm 2008[78]. Ông cưới vợ thứ hai, diễn viên người Anh Talulah Riley nhưng cũng ly dị năm 2012[79]. Ông hiện sống độc thân và phủ nhận rằng đang hẹn hò với nữ diễn viên Cameron Diaz[23].
Do điều hành một lúc hai tập đoàn nên Elon Musk phải thường xuyên di chuyển giữa Los Angeles và Fremont, Thung lũng Silicon, bay trên một chiếc phản lực tiết kiệm nhiên liệu của tập đoàn[80]. Khi ở Fremont ông thường đến nhà bạn bè đồng nghiệp ở thay vì khách sạn. Musk là một người nghiện công việc, ông làm việc khoảng 100 giờ mỗi tuần[81]. Ông thường nói rằng mình quá bận đến nỗi không thể hẹn hò: "Tôi nghĩ thời gian phân bổ cho việc kinh doanh và lũ trẻ đang diễn ra ổn. Nhưng tôi muốn phân bổ thêm thời gian cho hẹn hò nữa. Tôi cần một bạn gái. Một người phụ nữ cần bao nhiêu thời gian một tuần nhỉ? Có lẽ 10 giờ ư?" [82]. Khi được hỏi so sánh với Tony Stark, ông trả lời rằng có những điểm khác nhau quan trọng giữa ông với nhân vật Iron Man, chẳng hạn ông "dành nhiều thời gian ở Disneyland [đưa con đi chơi] hơn là tiệc tùng"[23]
Ngoài người em họ Lyndon Rive đang điều hành SolarCity, những người anh em khác của Musk cũng là doanh nhân. Em trai ông Kimbai là CEO của một công ty quảng cáo trực tuyến OneRiot và là chủ chuỗi nhà hàng The Kitchen.[83], trong khi chị gái họ, Tosca Musk thành lập hãng điện ảnh Musk Entertainment[84][85]. Elon Musk từng phụ trách sản xuất bộ phim đầu tiên của chị mình, Puzzled[86]

No comments:

Post a Comment