Nguồn: “What Can Be Done About Pedophilia?” The Atlantic, August 26, 2013.
https://beautifulmindvn.com/2016/12/22/hoi-dap-ve-ai-nhi-va-au-dam/
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Để đi cùng tiểu luận ngôi thứ nhất, “I, Pedophile” [“Tôi, người ái nhi”] của David Goldberg ngày hôm nay, tôi [Alice Dreger, giáo sư ngành nhân văn và đạo đức sinh học y tế lâm sàng tại Trường Y Feinberg, Đại học Northwestern] đã đề nghị tiến sĩ James Cantor, một chuyên gia quốc tế về ái nhi, trả lời một số câu hỏi thường gặp. Tiến sĩ Cantor là phó giáo sư tâm thần học tại Đại học Toronto và tổng biên tập tập san Sexual Abuse: A Journal of Research and Treatment. (Chúng tôi đã biết nhau khoảng 7 năm qua những mối quan tâm học thuật chung.)
Ái nhi (pedophilia) thường được định nghĩa như thế nào?
Ái nhi là sở thích tình dục hay một ham muốn tình dục mạnh đối với trẻ em. Thuật ngữ này thường chỉ đề cập đến sở thích tình dục/ham muốn với trẻ em tiền dậy thì hoặc đầu dậy thì.
Đôi khi những người như David Goldberg, tác giả của tiểu luận nói trên, được coi hoặc được gọi là “người ái nhi sao vàng” (gold star pedophiles) hoặc “người ái nhi tốt” (good pedophiles). Anh có thể giải thích ý nghĩa của những cụm từ dường như vô lý này?
Việc phân biệt giữa ái nhi (pedophilia)—có nghĩa là ham muốn tình dục đối với trẻ em—với hành vi xâm hại tình dục trẻ em (child molestation) trên thực tế là vô cùng quan trọng. Không phải ai có hứng thú tình dục với trẻ em cũng hành động theo những hứng thú đó. Những người là người ái nhi nhưng cố gắng giữ mình trong cả cuộc đời đang ngày càng được công nhận là cần và xứng đáng được hưởng mọi sự hỗ trợ mà xã hội có thể cung cấp cho họ.
Anh nghĩ ý của David là gì khi anh ấy nói người ta “quá lo sợ những hệ quả pháp lý và xã hội” nên không tìm kiếm sự giúp đỡ?
Nhiều nền tài phán đã thông qua các quy định về báo cáo bắt buộc [về người ái nhi] đối với các nhà tâm lý hoặc các nhà cung cấp dịch vụ y tế khác. Hệ quả là khi người ta nghĩ có thể mình là người ái nhi và đến tư vấn hoặc điều trị, theo pháp luật nhà tâm lý có thể buộc phải báo cáo họ với chính quyền. Điều đó đương nhiên có thể dẫn đến việc mất việc làm, gia đình, và mọi thứ khác. Do vậy, những người này chỉ đơn giản là không đến nữa, và thay vì cung cấp sự hỗ cho họ, chúng ta đang có những người ái nhi sống trong xã hội mà không nhận được sự giúp đỡ nào.
Chúng ta có bằng chứng gì về việc ái nhi là một thiên hướng tình dục?
“Thiên hướng tình dục” mang ý nghĩa khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Khi nói đến “thiên hướng tình dục,” hầu hết mọi người muốn nói đến một ham muốn tình dục mang tính bẩm sinh và không thể thay đổi. Không ai chọn việc mình có hứng thú tình dục với trẻ em, dù mọi người có thể chọn có hành động theo hứng thú đó hay không. Các nhà trị liệu đã cố gắng biến người ái nhi thành người không ái nhi trong một thời gian dài, nhưng chưa có bằng chứng khách quan nào về bất cứ thay đổi lâu dài nào về ham muốn tình dục. Người ta có thể học cách tự kiểm soát, có thể dùng thuốc giảm ham muốn tình dục, và có thể học cách sống lành mạnh và hiệu quả hơn, nhưng có vẻ chúng ta không có khả năng thay đổi bản thân người ái nhi.
Chúng ta biết gì về nguồn gốc của ái nhi?
Các bằng chứng tốt nhất hiện nay gợi ý rằng ái nhi bắt nguồn từ hệ thống thần kinh phi điển hình trong não bộ. Lĩnh vực nghiên cứu này còn rất mới, nhưng dường như có tồn tại cái có thể xem là sự “vắt chéo hệ thống dây thần kinh” trong giải phẫu não bộ đảm nhận việc kiểm soát các bản năng hoặc hành vi xã hội tự nhiên. Mặc dù việc học xuất hiện sau khi sinh, con người đã được sắp đặt trước để nhận biết và phản ứng với những kích thích nhất định. Từ những nghiên cứu được tiến hành cho tới nay, có vẻ những kích thích thường gợi ra phản ứng nuôi dưỡng và bảo vệ ở hầu hết người trưởng thành lại gợi ra những phản ứng tình dục ở người ái nhi.
Như vậy người ái nhi “sinh ra đã vậy?”
Trong các nghiên cứu, người ái nhi cho thấy những dấu hiệu cho thấy sự hứng thú tình dục của họ có liên quan đến cấu trúc não bộ và ít nhất có một số khác biệt tồn tại trong não bộ của họ trước khi sinh. Ví dụ, người ái nhi cho thấy tỷ lệ rất lớn về số người không thuận tay phải và có những dị thường nhỏ về thể nhất. Như vậy, dù tuyệt đối không nên nhầm lẫn ái nhi với đồng tính, ái nhi có thể được mô tả một cách có ý nghĩa như một thiên hướng tình dục. Các nhà khoa học đã gọi nó cụ thể hơn là một “thiên hướng độ tuổi” (age orientation). Tuy nhiên, cần lưu ý không nhầm lẫn cách dùng cụm từ “thiên hướng tình dục” trong khoa học với cách dùng trong luật pháp. Do cụm từ “thiên hướng tình dục” (sexual orientation) đã được dùng để gọi tắt (hoặc làm uyển ngữ) cho đồng tính luyến ái (homosexuality), đã có những đạo luật và chính sách cấm phân biệt đối xử dựa trên “thiên hướng tình dục.” Chúng không chủ định nói đến ái nhi.
Lo ngại rằng, nếu công nhận ái nhi là một thiên hướng tình dục thì chúng ta sẽ phải coi nó là chấp nhận được về mặt xã hội, có hợp lý hay không?
Sẽ hợp lý nếu những câu hỏi về tính chấp nhận được về mặt xã hội hướng vào hành vi. Người ta chịu trách nhiệm cho hành vi, chứ không phải cho suy nghĩ hay hứng thú tình dục. Ví dụ, chúng ta rất sẵn lòng thừa nhận rằng một người đàn ông dị tính điển hình, trong lúc bước trên phố, sẽ tìm một người phụ nữ nào đó hấp dẫn về mặt tình dục. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không kết luận rằng việc anh ta cưỡng ép tình dục bất cứ người phụ nữ nào trong số đó là chấp nhận được về mặt xã hội. Suy nghĩ về ái nhi như một đặc tính bẩm sinh mà người ta không lựa chọn và không thể thay đổi sẽ có thể đi được một chặng đường rất dài trong việc giúp xã hội tiến đến một phản ứng duy lý cho vấn đề này—một phản ứng có thể giúp ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em.
Ham muốn ái nhi có thể chữa khỏi hay không? Ví dụ, nếu điều trị thì người ái nhi có thể không còn ham muốn tình dục hoặc có một kiểu thiên hướng tình dục khác về cơ bản hay không?
Những biện pháp điều trị tốt nhất mà chúng ta có cho người ái nhi là giúp đỡ họ phát triển những kỹ năng họ cần để sống một cuộc sống khỏe mạnh, không phạm tội, và, trong một số trường hợp, ngăn chặn ham muốn tình dục của họ (nếu họ cảm thấy điều đó có thể giúp họ.) Chúng ta chưa tìm ra cách nào để biến người ái nhi thành người không ái nhi mà hiệu quả hơn nhiều nỗ lực thất bại nhằm biến người đồng tính nam và nữ thành người dị tính.
Đâu là những biện pháp điều trị sẵn có cho người ái nhi?
Theo kinh nghiệm của tôi, người ái nhi dễ phạm tội nhất khi họ cảm thấy mình chẳng có ích lợi gì trong đời và do đó không còn gì để mất. Người ta có khả năng làm những điều tuyệt vọng nhất khi cảm thấy tuyệt vọng nhất. Không may là phần lớn các hệ thống xã hội hiện hành đều gia tăng đáng kể thay vì giảm bớt những cảm giác tuyệt vọng của con người.
Các biện pháp điều trị truyền thống cho người ái nhi chủ yếu dựa vào những biện pháp ban đầu được thiết kế dành cho người nghiện chất, sử dụng một mô hình gọi là Phòng ngừa tái phát (Relapse Prevention). Rất khó đánh giá được tính hiệu quả của mô hình này (hay bất cứ mô hình nào), do chúng ta không thể phân ngẫu nhiên người ta vào nhóm điều trị và nhóm giả dược.
Tuy nhiên, hy vọng lớn nhất của tôi không phải là về điều trị, mà đúng hơn là về phòng ngừa. Cho dù nhiều người tưởng tượng những người phạm tội tình dục là những động vật ăn thịt vô độ hay những quả bom hẹn giờ đang kêu tích tắc, chỉ 10–15% tội phạm tình dục phạm tội mới. Tôi tin chúng ta có thể ngăn ngừa một số lượng nạn nhân lớn hơn nhiều nếu chúng ta đặt nhiều sức lực vào việc phát hiện và cung cấp sự hỗ trợ sớm trước khi tội phạm đầu tiên diễn ra, thay vì dựa vào những hình phạt ngày càng nghiêm khắc hơn khi sự đã rồi.
Một bản của bản dịch này được đăng lần đầu trên blog của dịch giả.
***
Lời người biên tập: Tóm gọn lại, xu hướng tình dục là một chuyện nhưng HÀNH VI có được cho phép hay không lại là chuyện khác. Chưa kể, chúng ta còn coi nhẹ khái niệm về sự đồng thuận (consent). Ví dụ, một người nam thích một người nữ là bình thường, những xâm hại cơ thể người đó khi chưa có sự cho phép của họ ở bất kỳ mức độ nào cũng đều là vi phạm cả pháp luật và đạo đức, chứ đừng nói đến ấu dâm.
***
9 bài học đắt giá các phụ huynh cần học để phòng tránh việc con em mình bị xâm hại tình dục
Các ông bố bà mẹ có con em bị xâm hại thường muốn chia sẻ trải nghiệm của mình để những phụ huynh khác có thể học hỏi từ đó và có thể phòng tránh cho con em mình không bị xâm hại.
Những ông bố bà mẹ này cảm thấy rất có lỗi – nhưng trong một thế giới mà việc phòng tránh xâm hại nhận được quá ít sự quan tâm và tài trợ, hầu hết các phụ huynh không được tạo cơ hội để học hỏi về nạn xâm hại tình dục, nhất là ở trẻ em. Vậy nên họ thường rất bàng hoàng và giận dữ khi nhận ra có quá nhiều trẻ em đang bị xâm hại tình dục trong khi có quá ít biện pháp phòng tránh.
Dưới đây là một số bài học dành cho các phụ huynh để phần nào giúp con em mình phòng tránh bị xâm hại tình dục:
- “Nói về an ninh cơ thể (body safety) càng sớm càng tốt.”
Nhiều phụ huynh cho rằng việc học hỏi hoặc nói chuyện với trẻ nhỏ về xâm hại tình dục là không cần thiết hoặc quá đáng sợ, và cố gắng trì hoãn để họ không phải nghĩ về nó. Nhưng thực tế là có rất nhiều trẻ em bị xâm hại trước cả khi chúng đi học mẫu giáo.
Khi nào là phù hợp để bắt đầu nói về việc này? Trước khi bạn sinh con thì sao nhỉ? Hãy nói chuyện với bạn đời của mình về nó. Tìm hiểu những chính sách tập huấn và thủ tục phòng tránh xâm hại ở các nhà trẻ. Nói chuyện với gia đình bạn về nạn xâm hại để xem họ biết đến đâu và nghĩ gì về nó. Sẽ không ích lợi gì khi bạn cố gắng khuyến khích an ninh cơ thể khi đại gia đình của bạn thường ôm nhau không xin phép, sử dụng sai từ chỉ cơ quan sinh dục, hay làm như việc xâm hại là “không thể xảy ra được” trong phạm vi gia đình. Trẻ em sẽ được bảo vệ tối đa khi xung quanh chúng là những người lớn có hiểu biết, cảnh giác và sẵn sàng hành động.
Bạn sẽ thấy không có gì là đáng sợ hay quá sức nếu bạn bắt đầu sớm và từ từ dạy cho con em mình theo đúng độ tuổi của chúng.
- “Sử dụng đúng từ ngữ là rất quan trọng.”
Các cơ quan sinh dục là những bộ phận cơ thể duy nhất mà mọi người tránh dùng những từ ngữ chuẩn để nói về chúng. Điều này có thể gây bối rối, hay khiến những bộ phận đó trở nên buồn cười hoặc thú vị – tức là khi một người dùng một từ không chuẩn để chỉ bộ phận sinh dục của con em bạn, có thể con em bạn cũng sẽ nghĩ chúng rất hay ho. Và nếu con em bạn có bao giờ cần phải kể với bạn hay bất kì người nào khác rằng có kẻ đã đụng vào “bánh nướng” thay vì âm đạo của chúng, bạn và những người lớn khác có thể sẽ không nhận ra chúng đang nói về việc bị xâm hại.
3. “Tránh xa người lạ không đồng nghĩa với việc phòng tránh xâm hại tình dục.”
Trừ phi chúng ta biết chắc ai đó đáng ngờ, chúng ta thường sẽ không muốn nghĩ đến hay nghi ngờ rằng con em mình có thể bị xâm hại tình dục bởi một người thân trong gia đình hay một người đáng tin cậy nào khác. Nhưng trên thực tế, chỉ có 5% các vụ xâm hại trẻ em có liên quan tới người lạ. Nhiều phụ huynh sẽ nói “nếu ai đó động vào chỗ kín của con thì họ là kẻ xấu.” Nhưng chúng ta cần nói trực tiếp với con em mình rằng không một ai – kể cả là chúng ta, anh chị em của chúng, bạn bè chúng, ông bà chúng, người trông trẻ, các thầy cô giáo, thậm chí bác sĩ của chúng cũng không được nhìn hay động vào vùng kín của chúng, hoặc để chúng thấy vùng kín của họ. Giải thích cho chúng những ngoại lệ (ví dụ: thay tã – tất nhiên là cho tới khi chúng đủ lớn, khi chúng đau, hoặc khi đi khám bác sĩ với sự giám sát của phụ huynh để đảm bảo rằng bác sĩ đang tôn trọng vùng kín của chúng).
Nên cảnh giác với nạn xâm hại tình dục giữa trẻ em với nhau. Phải đến 40% các vụ xâm hại gây ra bởi các anh chị em lớn tuổi và khoẻ mạnh hơn, hay bạn bè – và không chỉ là sự tò mò khi chơi trò bác sĩ, mà là sự lợi dụng và điều khiển trẻ với động cơ tình dục.
Khi chúng ta nhắc tới việc những người chạm vào cơ quan sinh dục của trẻ là “kẻ xấu,” trẻ có thể sẽ bị bối rối – hầu hết những kẻ xâm hại tình dục trẻ em là những người trẻ biết, tin tưởng và yêu quý. Chúng thiếu sự chuẩn bị và không ngờ được rằng người mình quen biết lại có thể hành động như thế, và điều này có thể khiến việc chúng tìm cách thoát ra và kể với người khác khó khăn hơn.
- “Tôi cứ tưởng xâm hại luôn luôn gây đau đớn.”
Các phụ huynh thường nói với con em mình rằng, “nếu ai đó làm con đau thì phải kể với bố mẹ.” Trẻ em thường tạo mối liên hệ giữa xâm hại và sự đau đớn. Nhưng xâm hại tình dục thường không gây đau. Trẻ em thường không được dạy rằng khi vùng kín của chúng được chạm vào thì có thể (và đúng là sẽ) gây khoái cảm. Vậy nên chúng có thể sẽ cảm thấy bối rối và xấu hổ. Nhưng điều tệ hại nhất là chúng có thể sẽ không nói cho ai biết vì chúng không nhận ra đó là xâm hại.
Hãy nói cho con em mình biết rằng việc động chạm vào vùng kín có thể sẽ gây khoái cảm, nhưng chỉ có bản thân chúng mới được chạm vào vùng kín của mình và chỉ khi không có ai khác nhìn – trong phòng tắm hoặc trên giường một mình chẳng hạn. Đừng để sự thiếu hiểu biết chống lại con em mình.
- “Tôi chỉ bảo con mình phải hét lên và mách với người lớn thôi.”
Rất nhiều chương trình khuyến khích trẻ em phải hét lên và nói với người khác khi bị xâm hại. Sẽ rất tốt nếu mọi trẻ em đều có thể hét lên khi có sự việc bất thường nào đó xảy ra – nhưng chúng ta cũng đang sống trong một xã hội dạy trẻ em không được hét lớn và phải tôn trọng người lớn tuổi hơn. Phần lớn trẻ em sẽ không hét vào mặt ông bà, thầy cô, huấn luyện viên, v..v… của mình. Hãy cho con em mình quyền được la lớn, nhưng cùng lúc đó cũng hãy cho chúng lựa chọn thoát ra một cách im ắng, ví dụ như lấy cớ đi vệ sinh, hay bị ốm. Dạy chúng biết rằng làm thế nào để thoát ra không quan trọng bằng việc chúng có thể làm vậy, và cũng không sao nếu chúng không thể chạy thoát được.
Trẻ em không nên phải thấy tội lỗi vì đã quá sợ hãi để có thể chạy trốn khỏi kẻ xâm hại chúng. Nhiều người lớn khi bị xâm hại cũng như vậy – họ quá sợ hãi và sốc khi một kẻ họ cho rằng có thể tin tưởng được lại trở thành kẻ xâm hại họ.
Để con em bạn biết rằng việc phòng tránh hay chống lại xâm hại tình dục không phải việc của chúng – việc của chúng chỉ đơn thuần là KỂ LẠI. Dù chúng có bị xâm hại một hay nhiều lần, chúng chỉ cần phải kể thôi, và việc bị xâm hại không phải lỗi của chúng.
- “Tôi không biết phải dựa vào những dấu hiệu nào. Tôi đã không nghĩ việc này có thể xảy ra với con tôi.”
Rất nhiều chương trình giáo dục trong quá khứ khuyến khích việc dạy trẻ về an ninh cơ thể và đặt trách nhiệm tự bảo vệ bản thân và kể với người khác lên trẻ. Nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều thông tin về việc làm thế nào để các phụ huynh có thể nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo về những kẻ xâm hại và các triệu chứng khi trẻ em bị xâm hại. Điều quan trọng nhất là việc hạn chế trẻ em tương tác một mình với người khác lại là cách tốt nhất để bảo vệ chúng.
Dạy cho con em về an ninh cơ thể là cần thiết. Nhưng tự học hỏi và giáo dục tất cả những người lớn khác xung quanh trẻ cũng quan trọng không kém.
- “Tôi tưởng các chuyên gia đang làm hết sức để bảo vệ trẻ em.”
Nếu con em bạn đang đi học, đi nhà trẻ, hay đang tham gia một chương trình dành cho thanh thiếu niên nào đó, đừng nghĩ rằng họ nghiễm nhiên đã được huấn luyện hay có các thủ tục cần thiết để phòng tránh, phát hiện và tố cáo xâm hại tình dục. Hãy tìm hiểu trước về các khoá huấn luyện và thủ tục của họ để xem xét xem họ có thể bảo vệ con em của bạn hay không.
- “Tôi cứ nghĩ việc tố cáo sẽ giải quyết được vấn đề.”
Tố cáo xâm hại tình dục hoặc nghi ngờ xâm hại tình dục là việc nên làm, nhưng điều này không có nghĩa kẻ thủ ác sẽ bị kết án. Xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác thường để lại rất ít hoặc không có bằng chứng cụ thể. Lời khai của đứa trẻ thường là bằng chứng duy nhất và, tuỳ theo độ tuổi của trẻ hoặc quyết định của phụ huynh hay công tố viên, đứa trẻ đó có thể sẽ không đứng ra làm chứng trước toà.
Hơn nữa, khi một ông bố hay bà mẹ tố cáo người còn lại đã xâm hại con em của họ, và kẻ thủ ác đã có quyền hoặc có thể tranh quyền nuôi con, các dịch vụ bảo vệ trẻ em và thẩm phán của toà án gia đình có thể sẽ nghi ngờ rằng đơn tố cáo được đưa ra với mục đích xấu và đứa trẻ có thể đã bị “huấn luyện” để nói rằng chúng bị xâm hại.
Những phụ huynh làm đơn tố cáo thường sẽ phá sản, mất quyền nuôi con và thậm chí đi tù vì đã không rút đơn tố cáo.
Mỗi vụ việc sẽ khác nhau, và không có câu trả lời đúng chung cho tất cả. Nhưng lời khuyên tốt nhất mà chúng tôi có thể đưa ra cho bạn là hãy đến gặp một tổ chức hỗ trợ tư nhân hay trung tâm chống xâm hại tình dục để tìm lời khuyên trước khi đâm đơn tố cáo, và tìm hiểu về nạn xâm hại tình dục trẻ em trong toà án gia đình tại nơi ở của bạn.
- “Tôi đã nghĩ mọi người sẽ ủng hộ chúng tôi.”
Mọi người thường không muốn chấp nhận sự thật rằng những người được ưa thích và tôn trọng lại có thể đi xâm hại tình dục trẻ em. Chúng ta thường nghĩ mình có thể nhận biết và tránh xa những kẻ xâm hại, nhưng điều đó là không thể. Chúng ta cần chấp nhận rằng mình có thể bị tổn thương và chuẩn bị tinh thần rằng có thể người nào đó mà chúng ta tin tưởng sẽ phá vỡ lòng tin đó. Chúng ta không hề ngu ngốc khi cố gắng hết sức để bảo vệ con em mình sau khi bị xâm hại – kẻ thủ ác mới là người nên bị kết tội và lên án.
Rất nhiều nạn nhân bị xâm hại hoặc người thân yêu của họ đã chia sẻ nỗi đau đớn khi bị từ chối bởi chính những người thân không chịu tin lời họ hoặc nổi giận vì họ đã dám tố cáo vụ việc. Đây là điểm yếu của những người đó và họ sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ cái thực tế mà họ tưởng tượng ra. Nếu bạn chưa phải trải qua điều này thì bạn là người rất may mắn. Nhưng nếu bạn đã trải qua rồi thì hãy biết rằng bạn không hề đơn độc.
Lược dịch: Thu Trang.
<><>
– 15% những nạn nhân bị bạo hành tình dục dưới 12 tuổi; 29% ở độ tuổi từ 12 đến 17; và 44% dưới tuổi 18.
– Bé gái từ 16 đến 19 tuổi có nguy cơ trở thành nạn nhân của hiếp dâm, bạo hành tình dục cao gấp 4 lần so với tổng dân số.
– 3% các bé trai đang học từ lớp 5 đến lớp 8, và 5% các bé trai ở từ lớp 9 đến lớp 12, bảo rằng họ đã bị xâm phạm tình dục.
– 93% nạn nhân ở tuổi vị thành niên biết thủ phạm là ai. Trong đó:
+ 34.2% là thành viên trong gia đình.
+ 58.7% là người có quen biết với trẻ.
+ Chỉ 7% trong số các kẻ bạo hành là người lạ đối với trẻ.
Bạn có bao giờ ngắm nhìn những đứa trẻ đang chơi đùa trong khu phố, hay chính những đứa con vô tội của mình, và nghĩ rằng, chúng có khả năng bị lạm dụng tình dục? Điều đó thật đáng sợ và ngoài sức tưởng tượng. Vấn đề lạm dụng tình dục ở trẻ em vẫn luôn là một vấn đề khó bàn luận vì nó thật khủng khiếp, thật kinh tởm. Nhưng trốn tránh hay làm ngơ, giả vờ như nó không xảy ra hằng ngày hằng giờ sẽ không giúp giải quyết vấn đề. Vì vậy, dù khủng khiếp, kinh tởm thế nào, chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng tỉ lệ lạm dụng tình dục ở trẻ em là rất cao và cần nhận được nhiều sự quan tâm cấp thiết.
Lạm dụng tình dục là dạng bạo hành đau lòng nhất, gây tranh cãi nhiều nhất, bị che đậy nhiều nhất, và bị hiểu lầm là ít xảy ra trong các dạng bạo hành trẻ em.
Vậy lạm dụng tình dục ở trẻ em là gì?
Lạm dụng tình dục có thể là về mặt thể xác (touching), hoặc về mặt tinh thần (non-touching).
Các hành vi lạm dụng tình dục bao gồm:
– Về mặt thể xác (touching):
- Xâm phạm thân thể đứa trẻ (penetrate) bằng một bộ phận cơ thể hoặc một vật nào đó.
- Mơn trớn hoặc đụng chạm trẻ một cách không phù hợp.
- Bắt ép (hay “yêu cầu”) trẻ đụng chạm bộ phận sinh dục của người lớn hoặc theo một cách gợi dục.
– Về mặt tâm lý (non-touching):
- Cho trẻ tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy.
- Phô trương, phô bày một cách không đúng đắn, phản cảm trước mặt trẻ.
- Cố tình thủ dâm trước mặt trẻ.
- Cố tình quan hệ tình dục trước mặt trẻ.
- Dùng trẻ để sản xuất các sản phẩm khiêu dâm (phim, ảnh, quảng cáo,…v..v).
- Các hành vi xâm phạm tình dục khác ở trẻ.
Trẻ em thường được dạy rằng phải kính nể và vâng lời người lớn, vì vậy, họ sẽ băn khoăn không biết hành vi xâm phạm của người lớn là đúng hay sai. Điều này dẫn đến việc trẻ lo sợ về việc trình báo hoặc khiến trẻ thay đổi/ rút lại bản trình báo ngay sau đó.
Khi 10 đứa trẻ bị lạm dụng tình dục thì chỉ có duy nhất 1 trẻ sẽ lên tiếng. Thế thì làm sao chúng ta có thể nhận ra nếu họ đang bị xâm phạm? Những nạn nhân bé nhỏ này dù không có đủ can đảm để nói cho bạn biết, họ sẽ vẫn có những biểu hiện khác lạ về hành vi, sức khỏe và cách ứng xử, tiêu biểu như:
- Có những hiểu biết và ham muốn tình dục không phù hợp với độ tuổi.
- Có hành vi, biểu hiện gợi dục với người lớn hay những đứa trẻ khác.
- Tỏ ra sợ sệt trước một số nơi như nhà tắm hoặc nhà vệ sinh công cộng (những nơi thường xuyên xảy ra các vụ lạm dụng tình dục).
- Sợ phải ở một mình với con trai hay đàn ông.
- Thường xuyên vắng phép ở trường, bất kể kết quả học tập, với đơn xin chỉ được viết bởi 1 phụ huynh (trường hợp này đáng lo ngại hơn nếu trẻ ở nhà 1 mình với cha hoặc cha dượng của mình).
- Cố gắng trốn nhà ra đi nhiều lần.
- Sợ giao tiếp hay các mối quan hệ cá nhân (interpersonal relationships).
- E ngại việc trở về nhà sau khi tan trường.
- Bảo rằng mình được dạy không được tiết lộ một bí mật nào đó.
Cụ thể hơn, ở từng độ tuổi, trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Trẻ em có thể bị xâm phạm tình dục ở bất kỳ độ tuổi nào và việc xâm phạm có thể xảy ra một lần hoặc lập lại trong 1 khoảng thời gian.
Các biểu hiện đó gồm:
– Với trẻ dưới 3 tuổi:
- Ngủ không yên giấc.
- Chậm lớn, chậm phát triển.
- Có các vấn đề về đường ruột.
- Sợ sệt.
- Khóc la quá nhiều.
- Thường xuyên nôn mửa.
– Với trẻ từ 3 đến 9 tuổi:
- Sợ một người hoặc một số nơi cụ thể nào đó.
- Lập lại những hành vi không còn phù hợp với độ tuổi (uống sữa trong bình, tiểu dầm,…v…v).
- Gặp nhiều ác mộng.
- Ăn uống thất thường.
- Có các kiến thức hay hành vi về tình dục (sexual behaviours) không phù hợp với độ tuổi.
- Xa lánh gia đình và bạn bè.
- Tức giận, hung hăng một cách vô lý.
– Với các đứa trẻ lớn hơn hoặc ở độ tuổi vị thành niên:
- Buồn bã, ủ rủ.
- Có những hành vi tình dục (sexual behaviours) nguy hiểm.
- Kết quả học tập giảm sút.
- Ăn uống thất thường hoặc bị rối loạn ăn uống (eating disorder).
- Trốn khỏi nhà.
- Hung hăng một cách vô lý.
- Tính khí thất thường.
- Kỹ năng xã hội kém.
Ngoài ra, cơ thể của nạn nhân sẽ bị tổn thương trầm trọng, và phát lên những tín hiệu cầu cứu như:
- Có mùi hôi lạ hoặc nồng nặc.
- Dễ mắc các bệnh mãn tính, bệnh hoa liễu, bị nhiễm trùng nước tiểu hay có các vết thương nơi vùng kín.
- Liên tục bị bầm, bị bỏng, bị thương.
- Có thai nhưng đứa trẻ nhất quyết không tiết lộ danh tính người bố hay không nhận rằng mình có thai.
- Có nhiều chất thải hay máu dính ở quần lót hay giường ngủ.
Khi biết con mình bị lạm dụng tình dục, đương nhiên chúng ta sẽ vô cùng đau đớn, tức giận. Thế nhưng, một số phụ huynh sẽ không phải trải qua các cảm xúc đó đâu, vì chính họ đã xâm phạm con em mình. 37% các vụ lạm dụng tình dục ở trẻ em là do chính phụ huynh của em ấy thực hiện. Nếu bạn phát hiện những dấu hiệu này trong chính gia đình của bạn, thì đã đến lúc bạn phải nghi ngờ và làm một điều gì đó:
Phần lớn trẻ em bị lạm dụng tình dục bởi 1 thành viên trong gia đình (ba, mẹ, anh trai, chú,…) hoặc 1 người có quen biết với trẻ.
- Một mối quan hệ gượng gạo và mang tính bảo vệ quá mức (over protective) của đứa trẻ và một trong hai phụ huynh.
- Đứa trẻ e ngại khi phải ở một mình với một trong hai phụ huynh.
- Một trong hai phụ huynh sẽ thường xuyên sắp xếp để họ và đứa trẻ ở một mình trong một căn phòng đóng cửa.
- Một trong hai phụ huynh sẽ cố gắng tạo khoảng cách giữa đứa trẻ và phụ huynh còn lại.
- Những thay đổi thất thường về cơ thể của đứa trẻ mà không có lời giải thích về mặt y học.
- Ý định tự tử ở đứa trẻ hoặc một trong hai phụ huynh.
- Tính khí thay đổi vô cùng thất thường.
- Đứa trẻ nạt nộ hay trở nên vô lễ, hách dịch với phụ huynh còn lại.
- Một trong hai phụ huynh bình luận một cách gợi dục về đứa trẻ.
- Một trong hai phụ huynh muốn đứa trẻ ngủ cùng giường với mình.
Ngoài ra, cả gia đình vẫn có thể bao che cho vụ lạm dụng tình dục ở đứa trẻ.
Các gia đình đó thường có những biểu hiện:
- Thiếu thốn tình yêu thương và hiếm khi quan tâm đến đứa trẻ, nhất là khi đứa trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ.
- E ngại với việc đưa trẻ đến bác sĩ.
- Không có lời giải thích thuyết phục cho những vết thương của đứa trẻ.
- Có những quan niệm xuyên tạc, lệch lạc về tổn thương tâm lý hoặc thể chất.
- Bảo vệ đứa trẻ quá mức, từ chối không cho đứa trẻ tham gia vào bất kỳ hoạt động xã hội nào.
- Những gia đình có sự quản lý khắc nhiệt bởi phụ huynh.
- Gia đình cô lập với cộng đồng và có ý định tách biệt luôn những đứa con của họ.
Mặc dù các nghiên cứu đã khảng định rằng, đối với tội phạm tình dục, các nạn nhân thường là nữ, và các tội phạm thường là nam, các bé trai vẫn có thể bị xâm phạm nhưng sau đó phải gánh chịu sự thờ ơ và bát bỏ.
Đôi lúc, đứa trẻ sẽ lên tiếng. Một số bé sẽ can đảm và báo thẳng với giáo viên, nhân viên tư vấn tâm lý, y tá, hay những người có thẩm quyền khác. Một số sẽ sợ sệt và kể cho các bạn cùng lớp mình nghe, với hy vọng là họ sẽ báo ai đó giúp mình. Một số sẽ úp úp mở mở, nói một cách trốn tránh vấn đề như “Con biết có một ai đó và họ…” hoặc kể lại cho người lớn nghe và bắt họ phải giữ bí mật. (Trẻ muốn đẩy trách nhiệm trình báo cho người khác nhưng vẫn mong muốn sự can thiệp.)
Dù trẻ có trình báo 1 cách trực tiếp, gián tiếp, hay không dám cất tiếng nào, khi phát hiện 1 đứa trẻ bị lạm dụng tình dục, trách nhiệm của bạn và tôi là phải giúp đỡ và bảo vệ đứa trẻ đó. Mời các bạn tìm hiểu về cách ứng xử khi một đứa trẻ báo với bạn về một vụ lạm dụng tình dục hoặc khi bạn nghi ngờ một đứa trẻ nào đó đang có thể là nạn nhân.
Bài viết này đã sử dụng thông tin từ:
Huỳnh Kim
No comments:
Post a Comment