Thursday, December 15, 2016

Việt Nam, Việt Nam

WEDNESDAY, AUGUST 10, 2016

Việt Nam, Việt Nam

http://songomy.blogspot.com.au/2016/08/viet-nam-viet-nam.html

Về Việt Nam điều tôi thích nhất là được  lê la với những tình thân, được nghe họ nói chuyện, được thấynhững phản ứng tự nhiên của mọi người trước mọi sự diễn ra trong cuộc sống. Đây là một điều cực kỳ thú vị, có thể xem là điểm sáng của chuyến đi vì trong điều kiện hàng ngày, tiếp xúc 100%  với người Mỹ tôi gần như không có cơ hội tiếp xúc với người Việt. Nhờ đó tôi hiểu người thân bạn bè của mình hơn, biết những người tôi yêu quý (trong cái kén mà tôi đã cùnghọ sẻ chia hàng chục năm trước) đã tiến hoá như thế nào, mang lối sống, lối nghĩ hoàn toàn khác với những gì tôi đã quen thuộc như thế nào.



Ngày kia tôi và mấy đứa em ở nhà đi chơi, đang đi thì cả bọn hứng lên "wow wow wow" trước khung cảnh hữu tình non xanh nước biếc  bèn nhờ một khách qua đường chụp bô ảnh làm kỷ niệm. Nhìn bộ dạng anh này tôi đoán ngay là anh không biết chụp hình vì anh có vẻ lãng tử của người ghi nhớ khung cảnh bằng trí tuệ chứ không phải bằng máy ảnh. Hoá ra anh không biết chụp thật: anh không biết dùng máy chụp hình Canon có bấm nút của tôi nên loay hoay mãi (chắc do quen dùng touch screen) sau ra tấm ảnh nhoè nhoẹt vì rung, còn dùng Iphone thì không hiểu sao một người trong bọn tôi bị mất đầu. Khi kiểm tra ảnh xong tôi nói “Ôi, có một người bị mất đầu rồi anh ạ”, anh chàng loé lên tia nhìn ngạc nhiên trước câu nói của tôi, 1 giây sau gương mặt anh có vẻ ân hận, muốn chụp lại giúp thì hai đứa em nhà tôi bay đến. Thằng em tôi khoát tay với anh ấy “Không sao bác ạ, cảm ơn bác” rồi khi anh chàng quay đi thì hai đứa em tôi bảo “Ở đây họ không chụp đi chụp lại hình giúp mình đâu chị ạ. Không nhờ được người này mình lại nhờ người khác, nói nó chụp kém, nó tức, nó đánh đấy” Tôi tròn mắt “Đánh á? Sao lại đánh?” “Thì nó thấy mình phiền,  nó sẽ chửi và nói qua nói lại thì nó sẽ đánh” Tôi lắc đầu không  tin“ Ở Mỹ chị nhờ bất kỳ ai chụp ảnh, họ cũng chụp và còn bảo, nào, mày check xem ảnh có tốt không, không thì tao sẽ chụp lại, rồi mới quay đi ấy chứ ”. Em tôi bảo “Mỹ khác, đây khác” Tôi không hề tin là anh khách qua đường sẽ đôi co với chúng tôi, sẽ không chịu chụp cho chúng tôi ảnh khác (nhìn anh cũng tử tế và có vẻ tiếc nuối vì đã chụp tấm ảnh xấu cho cả gia đình tôi) nhưng tôi ngạc nhiên cực độ vì thái độ của hai đứa em mình: Chúng cùng đồng lòng thống nhất với nhau không trông mong gì tự sự tử tế của người khác, dù chỉ là một việc rất cỏn con, nếu cần thì phải xuỳ tiền ra, mọi việc sẽ êm thấm. Trong mười mấy năm tôi không ở bên cạnh, cái gì đã dẫn chúng đi đến lối suy nghĩ như thế?



Tôi cũng gặp lại một chị bạn thân Việt Nam lấy chồng Tây, hai chị em cùng quen với Jasper, một anh bạn Đan Mạch làm cùng với tôi ngày trước, từ đó quen nhau dẫn đến tình thân quý. Chị kể một ngày kia có một anh chàng mới gia nhập hội Đan Mạch của chồng chị rồi làm một điều xấu với người bạn chung Jasper của chúng tôi…Chồng chị và cả hội Đan Mạch biết được, thế là khai tử thằng kia ở hội. “Mình giao lưu với nó là chấp nhận hành vi của nó, nghĩa là dạy con mình rằng hành vi của thằng đó chấp nhận được, mà như thế là trái với nguyên tắc sống trước giờ mình vẫn ra rả dạy con. Hoá ra mình đạo đức giả à?” Chồng chị nói thế.



Tôi cười, rồi kể chị nghe tôi cũng biết một vụ tương tự, nhưng là giữa những người Việt với nhau. Người đàng hoàng bị hại thì rời nhóm vì “tránh voi chả xấu mặt nào” còn thằng chơi xấu thì cả nhóm Việt Nam chơi chung chả ai dám nói dám làm gì nó, vì mọi người cứ nhủ “Việc đã xảy ra tuy là có xấu, có lòi bản chất của thằng ấy nhưng nào có ảnh hưởng gì đến mình. Chắc nó sẽ chừa mình ra. Ghét nó nhưng không ghét ra mặt mới là sống khôn”…Thế là thằng xấu, bất kể tiệc tùng hội hè nào cũng được mời, cũng chường mặt đến, lại cho rằng mọi người đang rất hâm mộ kiểu sống của mình, sự thành công của mình…Chị thở dài, “Việt nam là thế, em ạ”. Rồi chị kể chính gia đình chị đây, những anh chị em họ rất giỏi giang chăm chỉ, nhờ học hành siêng năng cầu tiến, có thực lực mà có của ăn của để đóng góp cho xã hội đầy đủ, làm từ thiên rộng rãi, giúp đỡ mọi người tử tế thì cô bác bà con  trong họ chả ai khen ngợi, thậm chí còn hành tỏi “Bọn nó giàu có, tiền đầy nhà, việc gì minh phải quý phải thương phải ủng hộ (hàng quán) của chúng nó”. Thế nhưng đám đông ấy sẳn sàng lao vào  ủng hộ an ủi những kẻ mạt vận cho dù là trước đây những kẻ ấychả ra gì, từng thừa hưởng tài sản kếch xù từ cha mẹ nhưng do lời biếng, ăn chơi, hút xách, nghiện ngập đã làm  tán gia bại sản…Chúng ta đã trừng phạt sự xuất sắc như thế đấy.



Tôi cũng thở dài vì tôi hiểu những gì chị nói, kiểu sống bất chấp nguyên tắc, hời hợt qua loa của chúng ta thật chán. Vì cớ gì rất đông người Việt thích trừng phạt sự tự tế, vô hình chung giết chết những giá trị đích thực (người đàng hoàng thì bị cô lập còn thằng xấu, kém cỏi, không ra gì thì được đám đông ca ngợi, tung hô), thích bắt sự xuất sắc và các cá nhân nổi bậtphải trả giá? Ngoài mặt chúng ta giả lả với bọn xấu nhưng sau lưng, về nhà đóng cửa lại, chúng ta chỉ tay vào mặt con, "Này, mẹ dạy, con làm thế là xấu, không chấp nhận được, lần sau chừa nhé" rồi hàng giờ hàng phút chúng ta cặm cụi hy vọng dạy con em mình trở thành người tử tế, thành cá nhân kiệt xuất. Thật đúng là hai mặt hay kiểu kiểu như vậy.



Bên hiên nhà có mấy cây mai đầy nắng, tôi cũng nghe ngoại tôi kể về bà Bảy, là em họ của ngoại. Bà Bảy năm nay chắc gần 80 tuổi, nhà ở vùng sâu vùng xa ngoại thành Đà Lạt.  Chính quyền địa phương thấy bà nghèo, thương cảm cho tiền xây một cái cầu xí. Con trai bà nghiện rượu, hoạnh hoẹ tiền của mẹ, vài triệu được cho phút chốc biến mất. Hàng ngày bà lão bị ăn đòn, không những bị con trai mà cả thằng cháu nội mười mấy tuổi đánh vì không tiền cho nó.  Bà ngoại tôi kể giọng ướt đẫm "Ngoại trông cho bà ấy vô đây thăm, để ngoại lại cho bà ấy ít tiền. Tội lắm con ơi!Còn thằng con trai và cháu nội, biết sao giờ. Ngoại cũng không cách gì liên lạc để biết bà ấy ra sao." Nhìn ngoại ngồi thu lu một góc, tóc bạc xơ xác, lưng còngnhỏ bé, nước mắt lăn tròn chảy dài từ hốc mắt trũng sâu, tôi không khỏi chạnh lòng. Có vẻ như hàng ngày những người thân yêu của tôi phải đối mặt với qua nhiều điều ngoài sức họ. Họ tiếp nhận thông tin (phần lớn là tin xấu), loay hoay với những cơn tsunami cảm xúc mà cái tin xấu ấy mang lại. Điều duy nhất mà họ có thể làm là thở dài "Biết sao giờ?" Tôi có cảm giá mình không  lái xe mà bị điểm mù, hoàn toàn bối rối trước câu hỏi mình tự đặt ra cho mình "Trong mười mấy năm tôi không ở đây, cái gì đã dẫn những người tôi yêu thương đi đến sự cam chịu như vậy. Hay là họ đã luôn cam chịu, luôn bất lực như thế nhưng vì mười mấy năm trước tôi còn quá trẻ, quá hời hợt, quá ngây thơ nên đã không "cảm” thấy?



Điều vui nhất là mẹ tôi đã biết lái xe. Như những người vất vả nhiều năm tháng đặt ra mục tiêu phấn đấu vượt qua bên kia đỉnh đồi sao cho toàn vẹn (mà không tan xác), mẹ tôi đang yên vị ở bên kia triền dốc của quả đồi,  toại nguyện và biết rõ là mình nên tận hưởng cuộc sống bằng cách vui nhất có thể. Từ ngày ý thức điều này, học lái xe trở thành một mục tiêu số một của mẹ tôi. Dù mất mấy chục chai, gần 10 lần số tiền để tập lái và thi lái so với người bình thường, mẹ tôi cuối cùng đã lái được. Vấn đề là không ai trong nhà chịu ngồi cho mẹ chở vì ngại tay lái mẹ yếu, mẹ già không xử lý được tình huống, vân vân và vi vi... Tôi đã ngồi cạnh mẹ, dù đôi khi không kiềm được vẫn buông lời trêu chọc mẹ ( “Mẹ nên nhớ trình độ lái xe của mẹ là mầm non so với con là lớp 6 và ba là cao học - ba tôi đã cầm vô lăng gần 40 năm- mẹ không được chế giễu ba khi ba lái xe nhé”) nhưng tôi đã đồng ý ngồicho mẹ chở. Mẹ rất đỗi hân hoan. Mắt mẹ lấp lánh như ánh mắt tôi trong bức ảnh chụp tôi lần đầu đạt giải nhất kỳ thi kể chuyện sách hè thành phố, được thưởng 5 quyển tập ruột trắng. Tôi biết ánh mắt ấy.Nó đong đầy niềm vui một người có được khi họ làm những người họ yêu quý nhất hài lòng. Hôm mẹ lái xe chở tôi đi về, đến nhà an toàn, tôi thấy mắt mẹ cũng lấp lánh niềm vui ấy.

No comments:

Post a Comment