Tuesday, June 2, 2015

Huong Sen Xu Nghe. (Giai benh * Hoa Uu-dam * Thien)


Làm sao để giải trừ bệnh tật kéo dài và oan gia trái chủ?
Tin đăng ngày: 30/1/2013 - Xem: 8729
Câu hỏi: Tôi muốn cầu xin ngài giúp đỡ siêu độ cho oan gia trái chủ của con gái. Oan gia trái chủ tạo nên bệnh cho con gái tôi. Tôi tu hành không được tốt nên không có năng lực siêu độ. Trong túi chỉ có mấy ngàn, năng lực kinh tế không đủ để làm lễ siêu độ.

HT Tịnh Không đáp: Việc siêu độ mà cần phải có mấy ngàn đồng e rằng sẽ không linh, vì sao? Đó là mua bán. Siêu độ không cần tiền mới linh. Bỏ tiền ra sẽ không có hiệu quả. Có rất nhiều phương pháp siêu độ. Đại sư Ấn Quang đã làm gương cho chúng ta. Ngài in kinh ấn tống hồi hướng công đức, rất lợi ích. Kinh điển chúng ta in sẽ có nhiều người đọc tụng, tương lai nếu một người nào đó từ kinh điển này chân thật nhận được lợi ích, được khai ngộ, công đức đó không thể nghĩ bàn. Cho nên cả đời Ấn tổ, bốn chúng cúng dường, toàn bộ ngài đều đem đi in kinh ấn tống. Đó là tấm gương lớn trong thời kỳ mạt pháp.

Trở lại vấn đề nêu trong câu hỏi, căn gốc bệnh tật của tất cả chúng sinh, bệnh đau tuy nhiều, quy nap nguyên do chỉ có ba loại.
Loại thứ nhất là bệnh sinh lý do đi đứng ăn uống không điều độ. Người xưa thường nói “bệnh từ miệng vào”, chúng ta ăn uống không vệ sinh, không khoa học; ở, ăn mặc không lưu ý nên bị cảm mạo phong hàn. Những thứ bệnh này thuộc về sinh lý cần tìm bác sĩ chẩn đoán trị liệu.

Loại bệnh thứ hai, như câu hỏi vừa nêu, oan gia trái chủ tìm đến thân. Loại bệnh này không thuộc sinh lý, thuốc thang sẽ không có hiệu quả, thầy thuốc cũng không thể trị hết. Chỉ có phương pháp duy nhất, đó là hòa giải cùng oan gia trái chủ để họ tiếp nhận, đồng ý và rời khỏi. Cho nên pháp sự siêu độ thông thường dụng ý chính là hòa giải, tiếp nhận cũng có không ít. Thế nhưng trường hợp không tiếp nhận cũng có, làm cho vấn đề trở nên khó khăn hơn.
Loại bệnh thứ ba là bệnh nghiệp chướng, không phải sinh lý cũng không phải oan gia trái chủ mà do chính mình tạo nghiệp quá nặng. Loại bệnh này rất phiền phức, thầy thuốc chào thua, siêu độ cũng không tác dụng. Đức Phật nói, loại bệnh nghiệp chướng này chỉ có một phương pháp đối trị, chính là chân thành sám hối. Bồ tát Phổ Hiền dạy chúng ta sám trừ nghiệp chướng, bệnh liền có thể hết. Trong Phật pháp, nếu biết được căn nguyên của bệnh này, hiểu được phương pháp đối trị, chúng ta không cần phải tốn nhiều tiền oan uổng, quan trọng nhất phải dùng tâm chân thành sám hối, tụng kinh niệm Phật hồi hướng.

Thế nhưng điều trị vẫn là phương thức cần thiết. Nó có thể giúp chúng ta hồi phục sức khỏe, quan trọng vẫn từ nơi nội tâm mà sám hối, đoạn ác tu thiện.

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên, mười hai năm trước bị bệnh ung thư nghiêm trọng. Tế bào ung thư của ông gần như phát tán khắp cơ thể. Hiện ông còn giữ lại hơn 30 tấm phim chụp X quang. Lúc đó, bác sĩ chẩn đoán ông thọ mạng chỉ còn ba tháng. Bắt đầu từ đó ông thực sự hồi đầu. Ông đem sự nghiệp của gia đình, mọi thứ thảy đều giao phó hết. Ông đến cư sĩ Lâm làm công quả và đợi chết. Chờ đợi đến nay là mười hai năm, thân thể của ông ngày càng khỏe mạnh. Như vậy, từ nơi nguyện lực của thân đã làm cho nghiệp lực được thay đổi.
Thọ mạng bệnh khổ của con người chúng ta là nghiệp báo, cư sĩ Lý phát thệ nguyện quá lớn, nguyện lực siêu vượt qua nghiệp lực, ông toàn tâm toàn lực làm việc vì Phật pháp, xả mình vì người. Đạo tràng cư sĩ Lâm này từ tay ông mà hưng vượng, cống hiến rất lớn đối với Phật giáo. Mỗi ngày đều giảng kinh, từ đầu năm đến cuối năm không hề gián đoạn. Niệm Phật đường 24 giờ cũng không hề gián đoạn. Thời gian gần đây, đạo tràng lại phát tâm mở lớp bồi huấn nhân tài hoằng pháp, đoàn kết chín tôn giáo của Singapore. Chủ nhật hàng tuần, giảng đường chật ních đại biểu các tôn giáo khác tụ về giảng đạo. Đại đoàn kết tôn giáo trong lịch sử trước đây chưa từng có. Những công đức này có thể chuyển được nghiệp báo
Chuyển nghiệp báo nhất định phải dựa vào chính mình, không thể dựa vào người khác. Nếu người khác có thể thay chúng ta chuyển nghiệp báo thì cha có thể chuyển nghiệp báo thay cho con. Hay nói cách khác, Phật Bồ Tát liền có năng lực chuyển nghiệp báo của chúng ta, chúng ta cần gì phải tu hành? Cho nên nhất định phải hiểu lý, nghiệp báo là do chính mình tạo, thì chính mình phải quay đầu tiêu trừ nghiệp chướng.

Xem trong hội Lăng Nghiêm, A Nan gặp phải nạn ma Đăng già. Đó là một ví dụ rất rõ ràng, Thích Ca Mâu Ni Phật không thể giúp được. Ngạn ngữ có câu “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc”, không cách gì thay thế. Gặp được người cao minh, gặp Phật Bồ Tát, các ngài dạy chúng ta phương pháp, giúp đỡ chúng ta hiểu lý luận, sau đó chính mình chăm chỉ nỗ lực tu hành, sửa chữa hành vi sai lầm, nghiệp chướng của chúng ta liền được tiêu trừ, vận mạng liền được thay đổi. Chúng tôi cũng thường khuyên các vị đồng tu đem nghiệp báo của thân chuyển biến thành nguyện lực của thân thì chúng ta được tự tại, được chư Phật Bồ Tát hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ.

Khi chưa gặp Phật pháp, chúng ta khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi. Sau khi học Phật mới hiểu ra cái chấp trước này là sai lầm, là tạo nghiệp luân hồi. Phật dạy bảo chúng ta đem ý niệm chuyển đổi lại, từ đây về sau không vì chính mình, buông bỏ ý niệm tự tư tự lợi. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã buông bỏ, quyết không vì chính mình, tất cả vì Phật pháp, vì chúng sinh. Khi vừa chuyển đổi nghiệp lực biến thành nguyện lực, sức mạnh hiệu quả rất lớn.

Oan gia trái chủ báo thù, muốn gây phiền phức, đó là vì chúng ta còn có lòng riêng tư. Khi vừa chuyển đổi ý niệm, oan gia trái chủ không những không dám tìm đến gây phiền phức mà còn giúp đỡ, ủng hộ. Họ không thể báo thù, chúng ta vì tất cả chúng sinh, nếu họ hại chết chúng ta có nghĩa là họ sẽ hại tất cả chúng sinh, tội này cực trọng, họ sẽ không thể gánh vác nổi. Nhưng nếu chúng ta không có ý niệm vì chúng sinh, vì Phật pháp, mà vì tự tư tự lợi, họ sẽ có biện pháp đối phó. Hiểu rõ đạo lý này, hãy làm thế nào chuyển nghiệp báo một cách hiệu quả.

Bản thân chúng tôi cũng được chuyển biến. Khi tôi còn trẻ, mẫu thân và những thân thích xem tướng đoán mạng đều nói tôi không vượt qua 45 tuổi. 26 tuổi tôi bắt đầu học Phật, cũng không cầu trường thọ. Đến năm 45 tuổi, tôi bị một trận bệnh hết một tuần lễ. Tôi biết thời gian đang đến nên cũng không tìm bác sĩ, không uống thuốc. Mỗi ngày niệm Phật đợi vãng sinh. Niệm hết một tháng bệnh liền khỏi, cả đời từ đó về sau không hề bị bệnh nữa. Cho nên tôi không có bệnh án trong bệnh viện. Chuyển biến nghiệp lực không vì chính mình. Vì chính mình là con đường tử lộ, vì chúng sinh là con đường sinh lộ.

Chúng tôi thường khuyên đồng tu buông bỏ tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm vì tất cả chúng sinh, tất cả vì xã hội, vì chánh pháp cửu trụ. Nhà Phật thường nói “thừa nguyện tái lai”. Thân chúng ta là thừa nguyện trở lại, không phải là thân nghiệp báo. Sau khi chuyển đổi, phải tinh tấn, nỗ lực, quyết không giải đãi, không tạo tội nghiệp, mỗi ngày phải đọc tụng kinh điển tiếp nhận giáo hóa của Phật Bồ Tát, và y giáo phụng hành. Mỗi ngày đọc một bộ kinh, từ sơ phát tâm đọc đến thành Phật đều không chán, vì mỗi biến luôn có ý mới, mỗi biến đều có chỗ ngộ mới. Đọc tụng chân thật sẽ mang lại an vui vô cùng, giúp chúng ta hoạt động, làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật, lợi ích rộng lớn vô tận.

(Nguồn: tinhkhongphapngu.com)
Tự chữa nhồi máu cơ tim bằng thiền
Tin đăng ngày: 22/7/2012 - Xem: 1944
Không phải là một phương thuốc cấp thời nhưng thiền được xem là phương pháp giúp cơ thể và đầu óc giảm mệt mỏi, stress, mang lại hiệu quả trong việc chữa trị nhồi máu cơ tim.
Mặc cho ngành y, ngành dược tranh nhau về tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị, nhồi máu cơ tim vẫn cứ tung hoành ngang dọc bất kể đối tượng nào.
Sống trong căng thẳng sẽ rước nguy cơ
Nếu tưởng mạch máu đang vui bỗng tắc nghẽn vì đóng chất mỡ thì lầm. Nói chính xác hơn, chỉ đúng khoảng 50%. Lý do là vì tròm trèm phân nửa số nạn nhân có lượng mỡ trong máu không hề tăng cao. Đổ thừa hết cho cholesterol cũng như bắt cấp thừa hành nhận khuyết điểm mỗi lần bị thanh tra.
Hơn nữa, cho dù có tăng cao thì chất mỡ trong máu cũng như các thành phần luân lưu trong dòng máu, như tiểu cầu, bạch cầu, không vô cớ bỗng bám chặt vào mặt trong mạch máu, thay vì rong chơi cho được việc khiến thành mạch bị chai cứng, lòng mạch càng lúc càng thu hẹp, mạch máu càng lúc càng mất tính đàn hồi. Các thành phần “bà tám” này sở dĩ bám được vào thành mạch máu trong khi dòng máu vẫn lướt qua phần vì máu chảy quá chậm do quá đậm đặc, phần do một lớp chất keo lót đường thuộc nhóm tạp chất chuyên nghề phá hoại gia cang mang tên là homocystein. Không có chất này thì mạch máu khó chai cho dù mỡ có tăng cao trong máu vì mỡ đi đằng mỡ, mạch vẫn về với mạch.
Thế thì loại chất vô tích sự này do đâu mà có? Chất này được cơ thể tự tổng hợp khi bạn sống trong tình trạng stress. Nói ví von hơn, càng cao danh vọng càng mau dày… mạch máu. Chính vì thế mà người có cuộc sống căng thẳng dễ là miếng mồi ngon của đủ thứ bệnh lý xuất phát từ tình trạng xơ vữa mạch máu.
Stress không dễ đối phó vì càng đối phó sẽ càng stress.
15 phút để... quên đời
Dẫu nhiều người biết stress là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh nhưng không dễ tìm được giải pháp để trung hòa mũi nhọn của stress khi chúng ta vô phương kéo giảm vật giá leo thang, phải sống chung kẹt xe, ô nhiễm… Tuy nhiên, vẫn có một loại thuốc để tăng cường sức chịu đựng, để có thể đồng hành cùng stress mà sức khỏe của trí não lẫn cơ thể giảm đi sự tổn hại. Đó là thiền định!
Trước đây nhiều người không tin nhưng từ khi các nhà nghiên cứu chứng minh, qua nhiều công trình khảo sát với cả ngàn đối tượng, là thiền có khả năng hạ huyết áp, điều hòa nhịp tim, giảm đau, tăng cường sức đề kháng và thậm chí hạ chất mỡ trong máu, phương pháp này đã từng bước dành được vị trí quan trọng trong nhiều phác đồ điều trị và dưới ánh mắt khách quan hơn của thầy thuốc. Bằng chứng là phương pháp này đã có mặt từ lâu trong hơn 2/3 số trung tâm điều trị phục hồi ở CHLB Đức. Dẫn chứng hùng hồn hơn nữa là nhiều đội banh thuộc Bundesliga đang bắt cầu thủ tập thiền!
Không phải cần hội đủ nhiều điều kiện phức tạp mới có thể ngồi thiền. Trong bối cảnh nào, nếu muốn, cũng thiền được. Điểm khó nhất cho nhiều người là làm sao ba lần trong ngày có thể quên công việc để nghĩ đến chính mình. Nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế lại không dễ dành 8 phút sau khi thức dậy, 2 phút sau bữa cơm trưa và 5 phút trước khi đi ngủ, tổng cộng không quá 15 phút để quên… đời đen bạc. Khó không kém là chủ động tìm một nơi yên tĩnh, một chỗ ngồi thoải mái, một tư thế buông thỏng mọi bắp thịt rồi nhắm mắt quên hết mọi chuyện thị phi bằng cách thả trôi tư tưởng theo nhịp hít vào thật nhanh, thở ra thật chậm. Với nhiều người đang đặt tiền tài danh vọng vào vị trí cao nhất trên bậc thang giá trị của cuộc sống, dường như khó lòng sắp xếp để đừng bị quấy rầy trong mấy phút phù du.
Đôi khi giải pháp của một vấn đề phức tạp lại rất đơn giản. Chữa bệnh mạch vành khi đã thuyên tắc mạch máu bao giờ cũng nhiêu khê vô cùng, nhất là khi xe cấp cứu kẹt cứng ở vòng xoay trong giờ cao điểm. Nhưng ngừa bệnh tim mạch khi bệnh chưa phát lại đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần biết cách bỏ ra ít phút để mượn nhịp thở của chính mình loại trừ tạp niệm. Còn gì tiện hơn cây nhà lá vườn? Đâu có thuốc nào rẻ hơn, thuốc nào dễ tìm hơn nhịp thở của chính mình.
Theo: Pháp luật TP.HCM

hông nên gọi “hoa” lạ là hoa ưu đàm
Tin đăng ngày: 26/6/2012 - Xem: 1839
HỎI: Gần đây, trên các phương tiện truyền thông có đăng tải những tin tức và hình ảnh về “hoa ưu đàm”. Theo đó thì “hoa ưu đàm” này rất lạ, mọc bất cứ nơi đâu như lá cây, ngọn cỏ, kim loại, kính và ngay cả trên mặt tượng Phật. Nhiều người đưa ra các giả thiết khác nhau như có thể là một loài nấm nhầy, hay trứng của bọ lacewing, và không ít người tin đó là hoa ưu đàm trong kinh Phật có nhắc đến là 3.000 năm mới nở một lần. Vậy theo quý Báo, đó có phải hoa ưu đàm không?
(TRÍ VIỆT, PhuongVan@gmx.de; THANH MINH, Đà Lạt, Lâm Đồng)
ĐÁP:
Bạn Trí Việt và Thanh Minh thân mến!
1.jpg
Một trong những cái gọi là "hoa ưu đàm"
Ưu đàm, Phạn ngữ là udumbara, Hán phiên âm ưu đàm ba la, ô đàm bát la, uất đàm v.v… Hán dịch nghĩa là linh thụy hoa, thụy ứng hoa, không khởi hoa. Theo một số kinh điển Phật giáo Bắc truyền, ưu đàm là một loại cây thiêng, ba ngàn năm mới nở một lần, mỗi lần hoa nở báo hiệu điềm lành Phật ra đời hay Chuyển luân Thánh vương xuất hiện (Kinh Vô lượng thọ, Pháp hoa văn cú, Huệ Lâm âm nghĩa…).
Từ điển Phật học Huệ Quang (tập VII, tr.5943) ghi: “Ưu đàm, tên khoa học Ficus Glomerata, thực vật ẩn hoa thuộc họ Cây dâu. Thân cây cao hơn 3 mét”. Từ điển Phật học Hán Việt (Nxb Khoa Học Xã Hội) ghi: “Cây ưu đàm mọc ở các nơi như núi Himalaya, cao nguyên Deccan và nước Sri Lanka v.v… Thân cây cao hơn một trượng, lá có hai thứ: một thứ phẳng trơn, một thứ thô nhám, cả hai thứ đều dài khoảng 4,5 tấc, nhọn đầu. Hoa lưỡng tính rất bé, mọc kín ở lõm sâu trong đài hoa, nên thường nhầm là loại cây không hoa. Hoa xếp như nắm tay hoặc như ngón tay cái, thành chùm hơn chục đóa, ăn được nhưng vị không ngon”. 
2.jpg
Bọ Lacewing và trứng khá giống với "hoa" lạ
Ưu đàm trong Kinh tạng Pàli, HT.Thích Minh Châu dịch và chú giải là cây sung (tên khoa học là Ficus Glomerata): “Ví như cây bồ-đề, cây bàng, cây sanh (pilakka), cây sung (udumbara)…; những cây lớn này, này các Tỷ-kheo, sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác”. (KinhTương ưng bộ V, chương 2, phẩm Triền cái, phần Cây, Nxb Tôn Giáo, 2000, tr.153). “Ví như, một người đem củi khô từ cây saka lại và nhen lửa, lửa sẽ hiện ra. Và một người khác đem củi khô từ cây sala lại và nhen lửa, lửa sẽ hiện ra. Rồi có một người khác đem cây củi khô từ cây xoài lại và nhen lửa, lửa sẽ hiện ra.  Rồi có một người khác đem cây củi khô từ cây udumbara (cây sung) lại và nhen lửa, lửa sẽ hiện ra” (Kinh Trung bộ II, kinh Kannakatthala, số 90, Viện NCPHVN ấn hành năm 1992, tr.635).
Rõ ràng, xét theo kinh điển Phật giáo thì ưu đàm là một loài cây lớn, có cành lá xanh tốt. Chính cây ưu đàm đã che mát cho Phật Câu Na Hàm Mâu Ni trong khi Ngài tọa thiền và chứng đạt giác ngộ tối thượng. “Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Konagamana (Phật Câu Na Hàm Mâu Ni) bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây udumbara (ô-tam-bà-la)” (Trường bộ kinh, kinh Đại Bổn, Viện NCPHVN ấn hành năm 1991, tr.436).
3.jpg
Cây Sung, Udumbara, Ficus Glomerata
Mặc dù kinh điển Phật giáo không mô tả hình dáng cụ thể của hoa ưu đàm nhưng trong chừng mực nào đó chúng ta đã xác định được cây ưu đàm là loài cây cao lớn (nói theo HT.Thích Minh Châu là cây sung). Nên những cái gọi là “hoa ưu đàm” mọc khắp nơi hiện nay chắc chắn không phải là hoa ưu đàm theo như kinh Phật đã nói. Thiết nghĩ, khi các nhà khoa học chưa nghiên cứu và định danh “hoa” lạ thì chúng ta cũng không nên tùy tiện gọi chúng là hoa ưu đàm, một biểu tượng thiêng liêng trong Phật giáo.
Chúc các bạn tinh tấn!

http://huongsenxunghe.com/?x=248/song-dao/con-gai-tho-bo-me-o-nha-chong

No comments:

Post a Comment