MỘT MÌNH
“Dude, it's rude” là chiến dịch kêu gọi những hành khách xử dụng các phương tiện cộng cộng để ý cách hành xử với những người chung quanh ở NY và mấy tiểu bang miền Đông lân cận. Dân Mẽo thì bạn biết rồi, cực kỳ ghét ai xâm hại không gian riêng và sự riêng tư của họ. Khi họ nói " Give me some space" là họ muốn ở "một mình", họ muốn người khác xê ra, đừng có đeo dính lấy họ, để cho họ có thời gian/không gian, có tự do làm gì họ muốn.
Sự tôn trọng quyền tự do cá nhân của người khác đôi khi rất cực đoan nên nhiều quy định được đưa ra rất… buồn cười.Ví dụ mới nhất là quy định phải hành xử thế nào trên tàu điện của thành phố New York. Nếu bạn đi tàu điện ngầm NY, bạn không được giở tung tờ báo ra để đọc, vì nó sẽ choáng luôn không gian người bên cạnh (Tiểu thuyết ngôn tình nhỏ bằng 2 bàn tay giấy vàng ố thì được). Bạn không được đặt một thứ gì đó để chiếm lấy cái ghế bên cạnh ( Nếu là ta ba lô, bạn phải ôm cái vali to đùng cồng kềnh đó vào lòng). Điều quan trong nhất là bạn không được… dạng háng khi ngồi. (Nếu là đàn ông bạn phải vắt chân chữ ngũ chứ không được thoải con gà mái như đang ngồi ở sa lông trong phòng khách, nếu là phụ nữ to béo thì bạn c àng phải khép chân lại, thu mình- bé nhỏ và khiêm tốn- trên tàu điện lúc đông người).. Năm nay đã có hai người đàn ông bị phạt vì tội “dạng hang” quá mức quy định. Vụ quy định này làm tôi nhớ những ngày mình đi tàu điện ngầm ở Singapore, giờ tàn tầm người đông như mắc cưỡi, dân chúng chen vai sát cánh sát rạt đền nỗi khi tôi đang đứng “tấn” trên tàu đọc sách (cho khỏi ngã) thì một bạn hớt hải nhảy lên tàu (ga Outram park), cũng giống như tôi bạn bám vào toa tàu để sống sót nhưng vấn đề là là cánh tay đen nhẻm của bạn chặn ngay giữa mặt tôi và cuốn sách!!! Thế là trên vai dưới nách, tô phải điều chỉnh nhiều lần hai cánh tay mình một cách đầy sáng tạo thì mới đọc được hết một chương sách.
Dĩ nhiên New York là tiểu bang cấp tiến, họ tin tưởng quy định này quy định kia sẽ thay đổi hành vi con người. Còn Texas là tiểu bang không ưa luật lệ, họ không thích những quy định nghị định ban hành từ các cấp chính quyền này nọ và họ luôn làm sao để chính phủ càng ít ban hành nghị định, quy định càng tốt. Các bạn Texas không những chế nhạo cái quy định phải cư xử thế nào trên tàu điện ngầm của New York mà còn cười khẩy khi mô tả cánh đàn ông ở New York phải giữ hai đầu gối dính chặt vào nhau (là điều rất khó khăn cho các anh chàng và cô nàng Mẽo nhiều năng lượng vốn hay thường xuyên dạng háng ra để hưởng thụ...cuộc đời).
Trở lại với vụ “một mình”, tôi nhớ lần đầu tiên mình có khái niệm về “personal space” là khi bà nội tôi qua đời. Bà nội tôi ra đi nhẹ nhàng. Lúc gần đất xa trời, nội tôi vẫn còn minh mẫn, tóc búi tó, áo bà ba, quần lãnh đen, đi dép lào mềm lẹt quẹt trong nhà. Ở tuổi 85, nội không còn phải suy nghĩ xem lúc nào gieo mạ, lúc nào cấy lúa nhưng vẫn còn đủ sáng suốt để nhắc chú tôi đem gà ra chợ bán, giỗ ai sắp tới, ngày nào ăn chay trong tháng.
Vào một buổi trưa hè gió thổi thiệt mát, trong căn nhà ba gian mà nội đã ở gần 70 năm trời, nội ăn cơm trưa xong, lên võng nằm ngủ trưa. Đến khi thím tôi vô lay nội dậy thì nội không thức dậy nữa. Qua lời kể của thím, tôi tưởng tượng nội nằm trên cái võng bằng vải dù cũ kỹ, treo ngang hai cái cột gỗ lim tròn to ngay giữa nhà. Nội chìm vào giấc mơ và thấy mình quay lại thời trẻ, năm nội 18 tuổi, ngay tại đám hỏi của chính mình. Trong không khí rộn ràng và nghiêm trang của buổi lễ, nội (là cô dâu mới) mặc áo dài đỏ mới nhà trai vừa đem tới, nội được dắt ra chào hai họ. Nội mím môi, nín thở, trán lấm tấm mồ hôi khi bà cố nghiêm nghị đeo cho nội một cái kiềng vàng và một đôi bông bằng đá cẩm thạch. Nội không biết là cái kiềng sẽ trói nội vào ti tỉ trách nhiệm và nghĩa vụ của dòng họ và đôi bông sẽ nhắc nội những bổn phận của con dâu trưởng trong gia đình. Má nội ửng hồng, sung sướng khi được mặc quần áo đẹp, được đeo trang sức đẹp, nội mĩm cười phấn khích trong giây phút lộng lẫy và đẹp đẽ nhất của đời người con gái. Rồi nội lại nhớ lúc khác, lúc nội nhìn thấy ông nội trẻ trung, cao ráo, tráng cao, mắt sáng, mặc bộ đồ đen may kiểu Tôn Trung Sơn, đứng trên bờ con đê dẫn ra chợ Đào. Nội chạy đến, họ nhìn nhau và cười, nụ cười của những người trẻ tuổi, đầy tràn tình yêu và sự ưu ái dành cho cuộc đời .
Ông đưa tay ra nắm lấy tay nội và hai người tay trong tay đi về phía chợ Đào, bao quanh họ là mùi lúa đang trổ đòng, thơm một cách thiết tha và ngào ngạt. Tôi tin là nội “ra đi” ngay lúc đó, trong khi mùi gạo Nàng Hương chợ Đào đang bao phủ, trong sự chờ đón của ông nội, họ nắm tay nhau, cùng bước vô cõi vĩnh hằng… Lúc nhận tin nội “ra đi”, tôi đang ở Châu Âu, lạnh lẽo và xa xôi, tôi chỉ im lặng mà không khóc. Tôi không viết, cũng không đọc bài điếu trong đám tang. Nỗi buồn gặm nhấm tôi một cách chậm chạp, tôi hoàn toàn không biết sự hiện diện của nó,nhưng nó đã thống trị tôi và bây giờ thì tôi tin rằng nó chính là lý do khiến tôi (vô thức) quyết định không làm gì cả vào đám tang của nội..
Những người Châu Âu bạn bè của tôi ở nghe tin bà nội tôi qua đời thì nhắn tin chia buồn. Không một ai gọi điện hỏi han làm phiền. Người xa nhất thì gửi thiệp, người gần nhất thì rón rén nấu súp rồi đặt lon súp trước cửa. Không ai liên lạc với tôi trong một tháng, họ nhẫn nại chờ đợi tôi vượt qua cơn đau đớn, như đời nhẫn nại chờ con sâu rị mọ vùng vẫy thoát ra khỏi cái kén, hoá thành bướm- trưởng thành và mạnh mẽ hơn qua nỗi đau của chính mình… Đó là 30 ngày tôi không nói chuyện với ai và không chủ động làm gì để liên lạc với thế giới.
Lúc đó tôi cảm thấy một chút thất vọng vì sự lạnh nhạt của những người bạn Châu Âu, bởi tôi đã quen với sự chia buồn nồng ấm bên nhà. Bây giờ nghĩ lại thì tôi biết ơn họ. Nhờ họ tôi biết sự riêng tư có ý nghĩa như thế nào trong hành trình một người đi tìm bản thân mình. Điều quan trong hơn hết là tôi phát hiện khả năng “tự mình làm mình vui” là một trong những kỹ năng quan trọng nhất để tồn tại. Không có kỹ năng đó, tôi có thể vẫn lớn, vẫn có thể bằng cách này hay cách khác, học cách tự tin, mạnh mẽ, độc lập, sáng tạo… nhưng tôi sẽ không bao giờ hiểu được rằng “sự cô lẻ/ tình trạng cô đơn” không có gì là quá tệ.
Mà phải công nhận rằng cảm giác được ở một mình là một cảm giác rất đặc biệt. Có một cái gì đó rất đỗi linh thiêng khi tôi ở một mình. Cảm giác lo lắng và bình an đan quyện vào nhau, làm tôi vừa lo sợ rằng giây phút này sẽ chóng qua, lại vừa mong đợi xem có điều vi diệu nào sắp xảy đến và tôi lại sắp có cơ hội phát hiện ra một thứ gì đó mới mẻ và hay ho về chính bản thân mình. Nó y hệt cảm giác bối rối, thích thú, hồi hộp mà bạn có khi một bạn lẽo đẽo đi theo 1 nhà sư già bạn hằng kính trọng, ngài dẫn bạn đi cả một ngày dài và bạn không biết mình đi đâu, băng qua bao nhiêu đường đất, đến trước một ngôi đền, ngài chỉ tay vào trong và nói "Đây, ngôi đền này thờ… chính con. Con là nhân vật chính. Giờ thì con hãy cam đảm bước vào và an nhiên ngồi xuống!"
No comments:
Post a Comment