Tuesday, December 13, 2016

CHÁO NÊM

"Nói đến cái ăn lại là một đề tài, khiến các cô một phen cười vỡ bụng.

Số là vào chùa không bao nhiêu ngày, thay vì mỗi khuya đi tụng kinh như các cô, Sư cô Giám thị lại bảo tôi xuống bếp phụ với sư cô Tri khố. Tri khố tức là chuyên phụ trách về củi lửa, bếp núc, dầu đường, gạo cơm đấy mà.

Sư cô Tri khố tuổi đã hơn 50, nhưng Sư cô còn khỏe và tốt tướng lắm. Mọi việc trong nhà bếp đều do cô đảm trách và lần đầu tôi được khiển xuống bếp để thọ giáo nơi Sư cô đây.
Khuya đó, vừa mon men xuống bếp, bắt gặp ngay cái nhìn không hề chớp mắt của Sư cô, là tôi thấy lạnh cả người rồi. Tôi tự thầm thì với chính mình, phải cảnh giác và cẩn thận giữ ý mới được. Tiến đến chỗ Sư cô ngồi lặt rau, tôi cúi đầu thưa:

- Thưa Sư cô, chỉ việc cho con làm.

Với giọng ồ ồ và ngắn ngủi không kịp đánh dấu: Nhúm bếp, vo gạo, nấu cháo.

Tôi im lặng răm rắp làm theo. Nồi nêu bếp núc ở chùa không giống như ở nhà. Cái nào cũng thật to thật nặng. Cái nồi nấu cháo phải dang cả hai tay khum lưng xuống để mà bệ nó. Mà thời ấy, tuy 16 tuổi, nhưng so với cái nồi, tôi cũng trở nên nhỏ nhoi hơn so với nó nhiều lắm. Ở chùa không xài dầu lửa, không xài củi nhiều trong việc nấu nướng, mà đa phần là dùng mạc cưa, vỏ trấu. Đây cũnglà lần đầu tiên tôi thấy được những phươgn tiện nấu nướn gnày. Tôi thật sựlúng túng khi đứng trước bếp lò. Thấy tôi không biết nhúm lửa, Sư cô liền chỉ vẽ cho tôi, nhưng khi có bàn tay của Sư cô thì lửa cháy sáng, nhưng đến phiên tôi thì chỉ có khói mà thôi. Vất vả lắm tôi mới hòan thành thao tác về củi lửa.

Sau việc nhen nhúm lửa là rửa chén bát. Vì sợ sẽ làm sai ý Sư cô, nên chi tôi cũng: Thưa Sư cô cái này làm sao? Thưa Sư cô cái kia làm thế nào? Thưa mãi Sư cô phát bực, nhìn tôi thật lạnh lùng mà nói:

- Yêu cầu em đừng thưa và đừng thưa nữa được không? Có việc gì đáng hỏi đâu mà em hỏi hòai vậy? Rửa chén cũng hỏi, lặt rau cũng hỏi, chế nước cũng hỏi...Bộ khiở nhà em không làm gi hết hay sao?? Em còn hỏi nữa, tôi đuổi em lên trên đó!

Sau lời cảnh cáo đầy nghiêm khắc như vậy, tôi đành im lặng không dám mở miệng.

Không biết sáng nay, các cô sẽ dùng gì? Nhưng trước mắt tôi là một nồi cháo to bự, được nấu chung với những mớ rau tập tàng như cải ngọt, bẹ xanh, cải nồi...đã được xắt thành từngkhúc ngắn hòa lẫn trong nồi cháo.
Nồi cháo trở nên hồng hồng đỏ đỏ bởi ảnh hưởng từ những lọn rau dền đỏ tía. Rau cải ở chùa mỗi ngày đều do các cô chia phiên nhau đi khất thực ở ngòai chợ, ai cho gi thì lấy đó. Có người cúng dường đồ dùng rất tươi ngon; nhưng cũng có những người chỉ hộ cho rau cải hư mà thôi. Sau đó đem về chùa lặt tỉa, got xén lại mọi thứ đê có đựoc món ăn cho đại chúng. Món cháo hôm nay là món cháo nêm, gồm những loại rau xắt nhỏ thả vào cháo, sau đó bỏ ít bột ngọt, muối, tiêu, mà hình thành món cháo nêm đó thôi. Tuy nhiên, khi mới vào chùa, tôi chưa hề biết qua món ăn này, vì vậy, tôi đã không ngớt thắc mắc. Dùng giá khuấy đều nồi cháo để đừng bị đống cháy, trong tôi miên man suy nghĩ.

Không biết đây là cháo gì? Và nấu ai ăn đây? Người ăn thì không nổi rồi. Sao mà nó giống cháo heo quá vậy. Hay là chùa có nuôi heo? Chớ người ăn gì kỳ cục vậy, và tôi đinh ninh môt điều là chùa có nuôi heo. Thay vì lên tiếng hỏi Sư cô, tôi lại nghĩ: Bị la nhiều quá rồi, tự ý thức mà thôi. Sau đó, khi nồi cháo đã được bớt lửa, việc làm cũng đã vơi, tôi tự mình thầm lặng đi vòng quanh chùa để tìm kiếm cái chuồng heo, nhưng tìm mãi vẫn không thấy nơi nào.

Còn đang phân vân, tần ngần dưới ánh sáng mờ nhạt nơi sàn giặt, thì một bàn tay đập vào vai tôi. Giật mình quay đầu lại, phía sau tôi là Sư cô Tri khố, Sư cô Giám thị và Sư cô Tri sự.

Tiếng Sư cô Giám thị vang lên:

- Em định trốn ra khỏi chùa phải không? Nếu muốn gì thì thưa rõ cùng chúng tôi. Chúng tôi sẽ giải quyết cho em. Em không nên lén lút trốn giữa khuya như vậy.

Tôi ngớ ngẩn bởi lời Sư cô nói. Tôi vội vàng thưa:

- Con đâu có ý đó thưa Sư cô.
- Vậy chớ em một mình mò mẫm, tìm kiếm gì mà đi quanh nơi xem xét chỗ này, chỗ kia vậy. Nãy giờ em làm gì, đều không qua mắt tôi đâu. Nếu không có ý lén trốn thì ra đây làm gì giờ này...

Tôi đành thưa sự thật mà thôi:

- Thưa sư cô, con thấy nồi cháo heo to bự; con định đi tìm xem chuồng heo nằm ở đâu. Một lát Sư cô có dạy cho heo ăn, thì con biết nơi mà không phải hỏi Sư cô Tri khố nữa.
Quý sư cô vừa nghe tôi nói, đều đồng lọat la lên hai tiếng:

- Phật ơi...hết biết...!

Sau đó, các vị thay vì nghiêm nghị như khi nãy còn đang tra xét tôi đủ điều, thì bây giờ ai nấy đều cười giòn giã. Sư cô Giám thị nhìn tôi nửa thương nửa bưc mà nói:

- Cô Lộc có đứa em thật khùng như vậy, mà đem gởi cho Thầy. Nồi cháo nêm nấu cho Thầy và cả đại chúng dùng, mà nó lại nói là nồi cháo heo. Chú chuẩn bị cặp gối quỳ hương là vừa rồi. Nói xong cô lại vỗ vào đầu tôi và cười.

Sau lần đó, tôi mới biết mình nhầm lẫn lớn như vậy. Từ đó trở đi, hễ mỗi lần đại chúng dùng lại món cháo nêm, thì mọi người lại có dịp vang lên tiếng cười. Còn tôi quá xấu hổ, lủi xuống bếp mà ngồi một mình với tô cháo nêm hồng hồng, đỏ đỏ, đậm màu kỷ niệm...của một thuở!

Đã mấy mươi năm qua rồi, mãi đến hôm nay, món cháo nêm lại trở thành món sở trường mà tôi thích nhất. Dù rằng, món cháo nêm bây giờ không còn màu xanh của cải ngọt, màu hồng của rau dền, nhưng tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ quên được món cháo nêm thuở nào đã góp phần lý tưởng không những chỉ riêng tôi mà là của bao người!"
Trang40-Gotsenhong.

No comments:

Post a Comment