Sunday, December 11, 2016

Hành trình vào địa ngục trần gian.

Hành trình vào địa ngục trần gian.
----
Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, tháng 5 năm 2014,
Tôi đang đứng tại cuối con phố Tuol Svay Reng, trước mặt là một cánh cổng sắt sứt sẹo bạc màu. Ánh nắng vàng rực chiếu xiên xiên một khoảng sân u buồn bên trong, soi rõ một khối nhà cũ kỹ ba tầng hắt màu xám xịt lên nền trời hanh hao.
-Tuol Sleng.
Tôi tặc lưỡi, rồi ngập ngừng rồi bước vào, qua khỏi cánh cổng sắt, cảm giác ghê rợn liền ập đến. Đầu tiên là 13 ngôi mộ nằm chặn ngay lối vào, tất cả đều vuông vức, lùn lè tè giống nhau và đặc biệt không có bia mộ, nằm tập trung trên một khoảnh sân xi măng lát sỏi. Đó chính là 13 nạn nhân vô danh cuối cùng của lò mổ Tuol Sleng, có tên chính thức là Security Prison 21, viết tắt là S21. Khi bộ đội Việt Nam đến giải phóng, bọn Khmer đỏ muốn giết người diệt khẩu đã cắt cổ tất cả các nạn nhân còn lại. Nhưng khi nghe tiếng súng nổ bên bờ tường Tuol Sleng, chúng tháo chạy và để lại một số nạn nhân may mắn.
Nhưng con số 13 cũng chỉ là "muỗi" nếu so sánh với 17.000 tù nhân từng bị giam giữ tại đây, trong quãng thời gian từ năm 1975-1979. Cần nhớ rằng, tất cả tù nhân bị đưa đến “địa ngục trần gian” Tuol Sleng là ĐỂ CHẾT, bất kể đó là đàn ông, đàn bà, người lớn hay trẻ nhỏ. Tất cả đều được quy vào một tội phản bội chế độ Khmer Đỏ, cấu kết với CIA, cho dù có người thậm chí chưa bao giờ nghe đến cụm từ CIA lần nào. Có những du khách Âu Mỹ vô tình lái thuyền buồm qua hải phận của Campuchia cũng bị Khmer Đỏ bắt nhốt vào Tuol Sleng.
Sự man rợ của Khmer Đỏ nằm ở chỗ trước năm 1975, S21 vốn là… trường trung học. Khi Duch, một thầy giáo dạy toán, được Bộ trưởng Quốc phòng Son Sen triệu tập tới một cuộc họp tổ chức tại nhà ga Phnom Penh để lên kế hoạch thành lập nhà tù S21, hắn đã vui mừng cho quây toàn bộ ngôi trường trung học trong vòng dây thép gai, cũng như thiết kế lại các lớp học cho phù hợp với mục đích giam giữ, tra tấn và hành hình tù nhân. 10 “nguyên tắc” dành cho những tội nhân giam giữ tại đây:
1. Trả lời thẳng câu hỏi. Không lòng vòng.
2. Đừng cố mà che giấu sự thật bằng cái kiểu lấy lí do thế nọ hay thế kia. Cấm cãi hay hỏi lại!
3. Đừng ngu ngốc mà nghĩ rằng mình có thể phá hoại cuộc cách mạng của bọn tao.
4. Trả lời ngay lập tức câu hỏi. Cấm làm mất thời gian.
5. Đừng có nói với tao rằng bọn bay là bất tử hay có thể làm nên một cuộc lật đổ.
6. Khi bị đánh hay giật điện, cấm khóc lóc!
7. Ngồi yên tại chỗ và chờ lệnh của tao. Nếu chưa có lệnh, giữ trật tự. Khi tao có việc cho mày, mày phải làm ngay không phản kháng.
8. Cấm không ba hoa về Khmer Đỏ để che giấu tội lỗi của chúng mày.
9. Nếu không tuân thủ các nguyên tắc trên, bọn mày sẽ ăn roi điện.
10. Nếu không tuân theo mệnh lệnh của bọn tao sẽ ăn 10 roi điện hoặc 5 lần giật điện.
Tôi đi bộ dọc theo dãy hàng lang bên trái trước, có một cái giường sắt nằm trơ trọi giữa phòng. Căn phòng đầy tà khí vất vưởng bao trùm chiếc giường tử thần. Ở trại Auschwitz, Đức Quốc Xã đối xử với người Do Thái còn tử tế hơn, ít ra còn có giường để ngủ chứ không phải là để hành hạ như vậy, huống gì đây là người cùng dân tộc mình. Tôi hỏi:
-Chị có thấy lạnh không?
-Lạnh.
Chị Hương trả lời. Hai chị em tôi đến đất Cao Miên vào một ngày đầu hè, không khí bên ngoài rất khô nóng, thổi dài qua hàng cây thốt nốt. Nói đến cây thốt nốt, đây là một loại cây vừa sinh vừa tử. Người nào ăn đường từ cây thốt nốt thì sẽ rất mau lại sức, còn nếu bị cắt cổ bởi lá cây thì chẳng dễ chịu chút nào, và đây là một hình thức tử hình ưa thích của Khmer Đỏ.
-Trong đây hình như không lắp máy lạnh?
-Chị không thấy điều hòa ở đâu hết.
Tôi ngó quanh phòng, bức tường vàng vọt bao quanh dãy gạch ốp nền đất lốm đốm vết máu. Quả nhiên không có điều hòa, vậy mà bên trong này mát thật. S21 từng là mồ chôn của bao nhiêu phận người, theo khía cạnh tâm linh thì hơi lạnh bất thường cảnh báo rằng nơi đây tràn ngập âm khí.
-Mình đi qua phòng khác đi.
Tôi nói rồi xách túi lên, tay lăm lăm máy ảnh. Căn phòng tiếp theo trưng bày ảnh thẻ các nạn nhân tại Tuol Sleng trước khi bị hành quyết. Nam có, nữ có, trẻ con, sư sãi, giáo dân và cả người nước ngoài. Họ thuộc mọi tầng lớp như công nhân, nông dân, kĩ sư, nhà khoa học, trí thức, giáo sư, giáo viên, sinh viên, các bộ trưởng và những nhà ngoại giao trên khắp đất nước Campuchia. Trong một số bức ảnh các tù nhân gượng cười, cứ như là người chụp ảnh cố gắng thương hại họ. Số khác thì đã bất tỉnh, khuôn mặt sưng húp, đầy máu me. Trong đó đáng chú ý là một bức ảnh ghi lại hình ảnh đứa bé mà số thứ tự được khắc trực tiếp lên phần da ngực.
Họ chết theo nhiều cách khác nhau: Nhiều người bị cắt cổ, một số lớn khác bị mổ bụng hoặc bị đóng đinh vào đầu. Nhưng trước hết, một thời gian dài họ còn bị tra tấn cực kỳ dã man: rút móng tay móng chân, khoét ngực cho rết cắn, dội nước vôi hoặc axit vào mặt… Vào thời kỳ đen tối nói trên, hầu như ngày nào cũng có những chuyến xe chở tù nhân đến S21. Để giải quyết nhanh gọn và đỡ tốn kém, bọn cai ngục ưu tiên cầm trẻ em quật vào gốc cây. Nhiều gốc cây trong và xung quanh nhà tù thậm chí đã mòn vẹt cả gốc vì sọ người đập vào.
Đến khi số người thiệt mạng quá đông không thể chôn được nữa, chúng đem người ta ra cánh đồng chết Choeung Ek. Cứ tối đến là xe sẽ chở vài phạm nhân ra đó, và người ta vĩnh viễn không thấy họ trở về. Mỗi người phải lấy cuốc chim bổ vào đầu một người khác rồi đẩy xuống hố, trước khi tự đào hố cho mình rồi quỳ xuống chờ tới lượt. Nhìn vào bức tranh chụp ở Choeung Ek, tôi như đang nghe thấy văng vẳng tiếng gào thét đau đớn của những nạn nhân. Họ chết mà không kịp nói lời cuối cùng với bạn bè, người thân. Họ đã đau đớn đến thế nào khi bị cuốc bổ, dao đâm hay kiếm chém trước khi trút hơi thở cuối cùng. Họ đã xót xa đến thế nào khi tận mắt nhìn thấy những người thân yêu của mình, con cái, vợ, chồng mình bị hành quyết trước khi đến lượt chính mình? Ở Tuol Sleng có treo rất nhiều tranh trên tường như vậy, mỗi tranh là một chủ đề giết chóc.
-Em đau đầu quá
-Ừ, ngộp thật.
Trước khi đến đây tôi có nghe cảnh báo của bạn Thảo rằng cả đoàn của bạn ấy tới nhà tù S21, là những người rất cứng, không tin vào tâm linh mà cũng thấy không khí đặc quánh lại. Bản thân tôi cũng tức tức trong lồng ngực, đầu óc ong ong choáng váng. Âm khí quá nặng của những cái chết thảm khốc cuộn xoáy vào không gian cô quạnh của Tuol Sleng khiến bất kỳ ai tiếp xúc đều cảm thấy khó thở. Mấy nghìn hồn ma chứ ít gì? Chụp vội vài tấm hình rồi tôi bước ra ngoài. Xà đơn và chum nước cho các em học sinh trở thành những dụng cụ hành hạ đắc lực. Đặc biệt là trò "đi tàu ngầm" nhấn đầu vào lu nước. Tất cả phạm nhân đều phải chết, nhưng không được chết dễ dàng.
Tôi tiếp tục đi dọc hành lang vắng lặng, băng ngang qua những phòng tra tấn, tự hỏi không biết bao nhiêu thi thể tù nhân đã bị kéo lê lết qua đây? Bao nhiêu tiếng khóc than ai oán vang lên từ những căn phòng chết chóc này? Trên những bức tường và trần nhà còn in rõ vết máu đỏ rực 40 năm còn chưa phai hết. Có những dãy gông cùm trong phòng, nơi các phạm nhân bị còng một tay và ngồi đó cả ngày lẫn đêm. Cấm không được nói chuyện với người bên cạnh hoặc gây ra tiếng động. Dám vi phạm thì sẽ hiểu chuyện gì xảy ra sau đó.
Tôi đứng lặng trên hành lang nhìn xuống sân trường, đầu hồi tưởng về những ngày Khmer Đỏ nắm chính quyền:
-Pol Pot là một thằng điên.
Đó cũng là một khoảng thời gian như hôm nay, tháng 4 năm 1975 đoàn quân Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh:
-Mọi người nhanh chóng di tản ra khỏi thành phố, máy bay Mỹ sắp ném bom!
Dân chúng thủ đô chưa kịp vui mừng vì chiến tranh kết thúc thì đã chưng hửng khi nhận được tin này. Họ hỏi:
-Đi đâu? Xa không?
-Nông thôn, vài ba ngày rồi về, đừng hỏi nhiều!
Cán bộ Khmer Đỏ quát lớn, cầm súng bắn lên trời. Mọi người sợ hãi co rúm lại rồi về nhà chuẩn bị đồ đạc để lên đường. Cuộc di tản này xa xôi hơn họ nghĩ, nhiều người mệt quá đi không nổi liền bị sát hại. Bấy giờ họ mới biết mình đã bị lừa, đây là một chuyến đi không có ngày trở về. Pol Pot có ý tưởng biến Campuchia thành một đất nước nông nghiệp thuần khiết và biến người Campuchia thành Người Cổ. Lịch cũng bị sửa lại, trở thành năm thứ 0.
-Không tiền bạc, không giáo dục, không tôn giáo.
Pol Pot nói và Khmer Đỏ đã tiến hành một chương trình quyết liệt để cách ly đất nước khỏi ảnh hưởng từ nước ngoài, đóng cửa trường học, bệnh viện và nhà máy, xóa bỏ ngân hàng, tài chính và tiền tệ, đặt ra ngoài vòng pháp luật mọi tôn giáo, tịch thu tất cả tài sản tư nhân và đưa người dân từ thành phố về nông thôn để lao động cưỡng bức.
Vì Khmer Đỏ muốn có một lượng lúa gạo gấp 3 lần trước đây nên dân Campuchia bị bắt làm việc tới 12 giờ một ngày, trong khi thức ăn chỉ có cháo loãng. Nhiều người đói quá chịu không nổi mò vào rừng bắt thằn lằn ăn, xui xẻo để cán bộ Khmer Đỏ phát hiện là bị cuốc vào đầu vì tội “ăn cắp tài sản nhà nước”. Chữa bệnh thì toàn các thuốc vớ vẩn vì bọn Khmer Đỏ không tin vào thuốc tây, thế là nằm xuống thêm một mớ nữa. Những tội ác này dẫn tới những cái chết hàng loạt vì hành quyết, làm việc quá sức, ốm yếu và đói khát. Ieng Sary cười:
-Giữ mày cũng chẳng ích gì, giết mày cũng chẳng mất chi.
Bởi vì không có giai cấp nên mọi người đều phải mặc đồ đen và gọi nhau là đồng chí. Việc yêu đương cũng phải được Angkar (tổ chức) cho phép. Lén lút hẹn hò sẽ bị xử tử cả hai. Ngay cả các đám cưới cũng là đám cưới tập thể dưới sự đồng ý của Angkar và giám sát của cán bộ Khmer Đỏ.
Mối quan hệ gia đình vốn là điều thiêng liêng nhất cũng bị cấm ngặt. Cha mẹ con cái sẽ bị dẫn tới những địa điểm khác nhau trong nước và tất cả các dịch vụ thư tín và viễn thông đều bị xóa bỏ. Các thành viên gia đình có thể bị tử hình nếu tìm cách liên lạc với nhau. Khmer Đỏ tin rằng các bậc cha mẹ đã bị hư hỏng, vì thế trẻ em phải được Angkar dạy dỗ lại. Trẻ em là công cụ của Angkar và được giao quyền lãnh đạo việc tra tấn và hành quyết. Tạo nên một xã hội lệch lạc và biến thái chưa từng thấy.
Mục tiêu của Khmer Đỏ là giảm dân số Campuchia xuống còn chừng 2 triệu thôi, nên cứ thả cửa mà giết:
-Nếu anh đeo kính và tay anh không có chai, anh là trí thức. Giết.
-Nếu anh không biết làm nông. Giết.
-Nếu anh là người dân tộc khác Campuchia. Giết.
-N lý do khác
Tới cuối cuộc diệt chủng chỉ còn chưa tới 4 triệu người sống sót khỏi chế độ Khmer Đỏ, vẫn còn may mắn hơn 3 triệu người khác đã mãi mãi nằm lại trên những cánh đồng chết.
Rời khỏi nhà tù Tuol Sleng, bỏ lại sau lưng những hàng rào kẽm gai, những bức tường vấy máu mà tâm trạng tôi vô cùng khắc khoải. Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi sinh ra ở giai đoạn hậu chiến, không phải chịu đựng những nỗi kinh hoàng mà chiến tranh gây ra. Những đứa trẻ ngây thơ liệu bao giờ mới đủ lớn để có thể cảm nhận hết nỗi đau mà cả một dân tộc phải gánh chịu? Dù sao chúng cũng là những đứa trẻ may mắn vì không bị quật vào thân cây hay tung lên cao rồi bắn ngay từ khi mới cất tiếng khóc chào đời.
Đây cũng có thể coi là tội ác ghê rợn và kinh tởm nhất trong lịch sử tiến hóa của loài người. Tôi tự hỏi chúng là người hay là động vật, mà động vật cũng không hề có một hành vi nào tàn khốc đến vậy: tàn sát đồng bào. Nếu không có bộ đội Việt Nam thì chắc chắn dân Campuchia sẽ tuyệt chủng thật sự với tốc độ giết người như ngóe của Khmer Đỏ. Không những thế, bọn nó đã thẳng tay giết hại 25.000 đồng bào ta rải rác khắp biên giới hai nước. Kinh khủng nhất là tại làng Ba Chúc, máu lênh láng cả một ngôi chùa, hay hành hình bằng cách lấy dao đâm rạch chi chít trên thân thể rồi sau đó cắt đầu thầy cô giáo trường Tân Thành. Tham vọng của Pol Pot là xóa sổ 50 triệu người Việt Nam dù có phải dùng toàn bộ 2 triệu người Campuchia.
Lịch sử có thể khép lại, nhưng những hậu quả của nó vẫn luôn ám ảnh thế hệ sau. Lần này đi quá gấp nên có dịp tôi sẽ trở lại Tuol Sleng một lần nữa, và có thể là dành cả ngày ở đây để nghiên cứu và ghi chép. Các bạn có thể tìm đọc "Hành trình qua cánh đồng chết" của Chanrithy Him hoặc xem phim "Cánh đồng chết" để rõ hơn.
P/s: Mà nghe nói các bác nhà mình qua đánh Campuchia cũng rất ớn vì bọn này man rợ quá. Ban ngày Khmer Đỏ có thể giả làm dân thường cười nói với mình, ban đêm mình đi tiểu thì nó vác rựa ra chặt bay đầu. Thêm quả dân Cam cũng không ưa dân Việt vì trong thời phong kiến mình xâm lược nó. Vào thập niên 70 đi xe xích lô mà nó chở vào chỗ vắng hô lên cáp duồn cáp duồn, rồi từ bóng tối mấy ông xích lô khác đạp đến, móc mã tấu sáng loáng là xác định.

No comments:

Post a Comment