Saturday, June 25, 2016

"GIẢ TRỊ"

Một vị Tổ sư Thiền tông nói: “An vui không sầu, đó gọi là Phật”,nhưng chúng ta thường không an vui, cho nên không thể thành Phật được, thế thì phải làm sao?
Chúng ta thử nghĩ xem, vì sao chúng ta không được an vui? Có thể là vì chúng ta bị mất một vật đáng ưa, đáng quý; cũng có thể mất một người yêu quý. Ví như ông chồng gặp và yêu một người khác mà không về nhà, hoặc là bạn bè tốt hiể u lầm bạn, bạn bị mất một người bạn tốt, cũng có thể là nghe một câu nói không thuận tai, hoặc bị phê bình; cũng có thể thành quả công tác hay thành tích thi cử không được như mong muốn; cũng có thể do vì mất đi một cơ hội tốt, hoặc không đạt được điều mong muốn, thậm chí gặp phải sự đối xử bất công.Chúng ta có nghĩ đến những sự phát sinh như vậy để rồi chúng ta không vui chăng?
Nếu hôm nay bị mất một vật mà chúng ta không ưa thích lắm, thì có thể chúng ta cảm thấy rất bình thường, lòng không bị phiền bực, vì vật ấy bạn cảm thấy không có giá trị gì.
Nếu hôm nay người khác mất chồng, bạn cũng không cảm thấy không vui, có thể nói điều ấy vốn không ảnh hưởng gì tới bạn. Vì chồng của người khác đối với bạn không có gì quan trọng, bạn không nhận thấy ông ta quan trọng đối với bạn, dù có cho bạn, bạn cũng không cần, cho nên ông ta mất đi bạn cũng cảm thấy không quan trọng gì!
Có những câu mà chúng ta nghe xong rất không hợp ý, ví như hiềm khích mà bảo rằng chúng ta không tốt, nếu người ta bảo: “Vì sao anh khờ dại thế? Làm việc mà như thế à? Thi cử mà thành tích như vậy ư?”, chúng ta nghe xong thì rất phiền lòng. Một mặt, vì người ấy hiềm ghét là “ta”, chúng ta đều chấp trước cái tự ngã của mình. Nếu người mà người ấy hiềm ghét là người khác thì chúng ta sẽ không bực bội như thế. Mặt khác, vì chúng ta cảm thấy “khờ dại” là không tốt, “lanh lợi” mới là tốt. Vì chúng ta có quan niệm như thế, cho rằng “dại khờ” thì không có giá trị, “lanh lợi” mới có giá trị, cho nên khi nghe nói như thế mới buồn phiền.
Thật ra, phải chăng “lanh lợi” mới có giá trị, “dại khờ” thì không có giá trị? Phải chăng người có thành tích tốt thì có giá trị, thành tích không tốt thì không có giá trị? Điều này không nhất định như thế.
Hồi còn nhỏ tôi cũng theo quan niệm của người khác mà có lối suy nghĩ như thế, nhưng hiện nay tôi hoàn toàn bỏ đi cái quan niệm này. Có một bậc cha mẹ nói với tôi rằng ông vốn cảm thấy có được mấy đứa con rất lanh lợi thật là tốt. Kết quả là mấy đứa con này đi học xa, không có đứa nào gần gũi để chăm sóc ông. Khi ông đã già, gân cốt đau nhức, đi đứng khó khăn, rốt lại, đứa dại khờ nhất không đi học xa lại ở bên cạnh mà săn sóc ông. Bạn bảo loại nào có giá trị?
“Giá trị” thì không có tiêu chuẩn, tùy theo sự chấp trước của lòng người mà được nêu ra.
Ví dụ: Đối với một đứa học trò nhỏ có thể một đồ chơi điện thì có giá trị, nhưng đối với tôi quả thật không cần. Cho nên đối với đứa trẻ rất thích đồ chơi điện, mà nếu đồ chơi điện của nó bị mất thì nhất định nó rất buồn phiền. Nhưng đối với tôi, tôi vốn không cần, nếu nó bị mất đi thì khỏi bị chật nhà, trái lại càng tốt hơn. Cho nên có thể nói, thật ra không phải mất một thứ gì thì khiến người ta đau khổ, mà chính là sự “chấp trước” những thứ bạn yêu thích mới khiến cho bạn đau khổ. Ví như bạn có một chiếc áo khoác bằng da điêu vô cùng giá trị, có thể bạn rất đắc ý, mặc vào thì rất thích thú. Có điều, nếu như mất đi thì bạn cũng rất hoảng hốt, cũng phải mất mấy ngày không ăn không ngủ. Nhưng đối với tôi, loại y phục ấy đầy máu và nước mắt của sự tàn nhẫn. Cả đời tôi không bao giờ nghĩ muốn loại áo ấy.
Cho nên giá trị không có tiêu chuẩn và do quan niệm cá nhân của từng người không giống nhau, cũng tùy thời mà thay đổi.
Chúng ta thường nói: “Thấy rõ được, buông bỏ được”. Nếu bạn nhận thấy một đồ vật nào đó, hoặc một sự việc nào đó còn có giá trị, thì bạn không thể nhận rõ nó được,lại không buông bỏ nó được. Cho nên chúng ta phải cố hiểu rõ cho đến khi cho rằng một sự việc hoàn toàn không có giá trị đặc biệt nào thì mới có thể nhận ra chính xác mà buông bỏ nó đi.
Có người hỏi tôi: “Phải tu “nhẫn nhục” như thế nào?”. Vì anh ta bảo anh gặp phải khá nhiều hoàn cảnh khó khăn, chịu đựng cho được cũng rất khổ, trong lòng như có một khối đá đè nặng. tôi đáp: “Tốt nhất là anh đừng hỏi tôi câu hỏi ấy, vì chính tôi cũng không biết, làm sao nói cho anh biết được?”. Quả thực tôi không biết nhẫn nhục, miễn cưỡng chịu đựng và kiên trì chịu đựng quả là rất đau khổ. Tôi chỉ dần dần hiểu ra mà thôi. Tôi tự hỏi mình:
“Vì sao ta biết được đó là sự nhục nhã và áp lực, khiến cho ta phải nhẫn nại?”. Nhất định tôi cho rằng một tình hình nào đó có giá trị, nên tôi mới cảm thấy mặt trái của nó là nhục nhã, là một hoàn cảnh khó chịu đựng, cho nên tôi mới cảm thấy cần phải dùng thứ công phu to lớn là “nhẫn nhục”! nếu không thì mọi sự rất bình thường, đâu cần phải dùng đến cái đại “nhẫn nhục”?
Chúng ta hãy nêu lên một ví dụ: Lúc Lão Hòa thượng Quảng Khâm còn tại thế, một lần có một ký giả vì thấy mọi người cúng dường Lão Hòa thượng rất nhiều tiền, anh ta bèn động tâm xấu, lên núi tống tiền uy hiếp Lão Hòa thượng. Gặp Lão Hòa thượng, anh ta chìa tay ra mà nói: “Đưa tiền đây, nếu không thì ngòi bút của tôi lợi hại lắm đó. Nếu ngài không đưa tiền ra thì tôi sẽ viết một bài báo về ngài, ngày mai báo đăng, bảo đảm toàn núi của ngài không có ai đến, không có cả nửa con ruồi, con muỗi!”. Lão Hòa thượng nghe xong, chỉ an nhiên tự tại mà nói với anh ta: “Kính nhờ anh! Anh viết càng xấu càng tốt!
Anh muốn viết thế nào cũng được, tôi không cần mọi người cung kính tôi. Nếu người ta cung kính tôi, xin tôi gia trì thì ngày nào tôi cũng phải trì chú Đại Bi, gia trì nước chú Đại Bi; nếu người ta không cung kính tôi thì tôi có thể an tâm mà niệm A Di Đà Phật!”. Người ký giả ấy nghe xong thì rất ngạc nhiên, anh ta bảo, anh ta đã đi cùng khắp Nam, Bắc, chưa từng gặp ai như Lão Hòa thượng! Quả là “Sự đáo vô tâm giai khả lạc, nhân đáo vô cầu phẩm tự cao” (Vô tâm đối với các sự việc xảy đến thì được vui, người đạt đến chỗ không mong cầu thì phẩm chất tự cao). Sự việc này đối với Lão Hòa thượng hẳn có thể nói là rất bình thường! Có thể nói ngài vốn không phải dùng cái công phu to lớn là “nhẫn nhục”. Vì chúng ta là những người bình thường, nhất định chúng ta cho rằng việc báo khen ngợi là “cao tăng đại đức”, “người tốt việc tốt” là có giá trị,cho nên chúng ta mới sợ cái tình huống ngược lại xuất hiện. Nhưng đối với Lão Hòa thượng, ngài cho rằng báo đăng bạn là cao tăng đại đức, thần thông quảng đại chẳng có giá trị gì, cho nên báo có viết thật xấu cũng chẳng quan trọng gì!
Thật ra mình tốt hay không tốt hoàn toàn không phải chờ người khác phê bình mà thành ra như thế. Nếu quả thực mình không tốt thì dù trên báo đăng bạn rất tốt cũng không ích gì!
Nếu chính mình không làm việc xấu, thì trên báo viết bạn không tốt thế nào chăng nữa cũng không phải viết về bạn, có liên quan gì tới bạn đâu? Người bình thường chúng ta cho rằng sự phê bình và khẳng định của người khác là có giá trị,cho nên nếu người ta bảo chúng ta là người xấu thì chúng ta rất phiền lòng; người ta bảo chúng ta là người tốt thì chúng ta được ấm lòng. Có thể nói, suốt ngày dính mắc đến lời phê bình của người khác, lòng vui đó buồn đó. Nhất là khi người ta bảo bạn không tốt và lại oan uổng, thậm chí còn vặn vẹo sự thật, chúng ta liền cảm thấy bị thương tổn. Nếu lại muốn giữ gìn tư cách, không cãi cọ với người ta, thì cảm thấy rất khổ sở. Như thế mới cần phải “nhẫn nhục”. Loại nhẫn nhục này mà không dùng một chút trí tuệ để thông hiểu, để hóa giải, cứ kiên trì chịu đựng thì có khi phải sanh bệnh, không cho chút gì “Ba la mật”. Nếu công phu chúng ta không đủ, không thể quán không, thì có thể dùng cái góc độ giá trị để thông hiểu. Rốt lại, sự việc ấy khiến cho chúng ta buồn khổ mà không buông bỏ được, thì thế gian này có giá trị gì đâu? Có giá trị thì chúng ta mới cần ôm giữ, không có giá trị thì giữ trong lòng làm chi?
Tôi có quen một vị pháp sư tên là Hoàng Tông. Một hôm, ngài ngồi tại một nơi, có người từ bên kia đi tới chào ngài nhưng ngài không để ý. Sau đó người này rất giận, mắng ngài:
“Hòa thượng già, con lừa trọc gia, ông là đồ “chứa phân!”. lão Hòa thượng nghe vậy liền khen người ấy: “Ối chà! Hôm nay ông mở đại trí tuệ đấy! Ông biết tôi là người hai chân mang một thùng phân, ngày nào cũng đi đi lại lại”.
Nếu người bình thường chúng ta gặp phải tình trạng này, bị người xấu miệng trách mắng, thì nhất định chúng ta sẽ cãi cọ với người ta một phen. Nhưng quan niệm về giá trị của Lão Hòa thượng không giống như chúng ta. ngài cho rằng có giá trị đâu mà lý luận bàn cãi! Cho nên ngài khen người kia là mở đại trí tuệ. Quả thực, chúng ta đều hai chân mang một thùng phân, hằng ngày đi đi lại lại! Nếu miệng thốt ra lời xấu ác, thì môi sẽ biến thành nắp thùng phân. Chúng ta có thể biết rằng, các vị Pháp sư tu hành đã lâu, thì quan niệm về giá trị của họ không như những người bình thường, cho nên đối với những sự việc khiến người bình thường chúng ta phải đau khổ, chư vị lại rất an vui và rất tự tại.
Thật ra, “giá trị” không hề cố định, và chúng ta có thể tùy thời điều chỉnh, cải biến.
LikeShow more reactions
Comment

No comments:

Post a Comment