Thursday, June 30, 2016

QUÁN ÂM CẢM ỨNG KỲ DIỆU

SÓNG LỚN BIẾN THÀNH CHIẾC NÔI - QUÁN ÂM CẢM ỨNG KỲ DIỆU
Mỗi khi tôi gặp hoàn cảnh khó khăn mà lòng cảm thấy đau buồn. Tôi nghĩ đến một câu chuyện càng làm cho tôi có lòng tin bội phần mà niệm Phật. Đó là câu chuyện của bạn tôi, Bồ Tát A Thanh, kể cho tôi nghe. Bồ Tát A Thanh có một người bạn, chồng chị ấy tốt nghiệp viện Hải Dương học. Vào cuối năm nọ, anh cùng một số đồng học tại viện Hải Dương học, do có kỹ thuật lái thuyền chuyên nghiệp, nên được mời đóng phim, vai các thuyền viên. Trước khi đóng phim, họ cần đi thử thuyền. Hôm ấy theo kế hoạch, họ lái một chiếc thuyền mà họ chưa từng lái. Từ Cao Hùng xuất phát, phải đến cảng Giai Lý. Bồ Tát A Thanh ngày thường vẫn khuyên họ khi ra đến biển nhớ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, nhưng họ nghe để mà nghe, chẳng xem ra gì.
Hôm ấy, họ bắt đầu ra biển thử thuyền. Ngoài khơi họ đã gặp dòng nước lạnh, trên biển sóng to gió lớn. Họ lại không rành về tính năng của chiếc thuyền, cũng có thể thuyền không tốt lắm. Bỗng nhiên thuyền bị lật, mọi người đều bị rơi xuống biển giữa dòng nước lạnh thật là kinh hoàng, khủng khiếp. Tuy những người bạn cùng đi với nhau đều là những nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp, cũng có vài thiết bị cứu sinh, nhưng giữa cơn sóng gió lạnh, bốn bề không ai cứu viện, chỉ có những cơn sóng hãi hùng, biển rộng mênh mông, những người bạn ấy lần lượt không chịu đựng được, từng người một lần lượt phải mất mạng trong biển lớn.
Anh chồng chị bạn của Bồ Tát A Thanh trố mắt nhìn các bạn lần lượt bị biển nuốt mất, nỗi đau đớn và khiếp sợ trong lòng thật không thể nào tả xiết. Chẳng những trời rất lạnh, sóng gió rất lớn, mà trời thì càng lúc càng tối, anh nghĩ tới vợ đang chờ anh về ăn cơm tối, thế mà anh lại bị gặp nạn giữa biển, không có ai biết để đến cứu, thật là bi thảm!
Trong khoảng thời khắc tối tăm, kinh hoàng ấy, bỗng nhiên anh nhớ tới Bồ Tát A Thanh thường khuyên anh niệm câu “Quán Thế Âm Bồ Tát” mà trước đây anh cảm thấy không cần dùng nên không lưu tâm đến. Nhưng ở giữa biển lớn không nơi nương cậy này, anh cứ một mực niệm “Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát...”. Anh không biết mình đã niệm bao lâu, sau đó có một chiếc thuyền đánh cá đến cứu anh, đưa anh về y viện, anh mới biết anh đã trôi dạt trên biển hết mười bốn tiếng đồng hồ. Trong tai nạn trên biển ấy, anh là người duy nhất còn được sống sót. Điều này chứng minh câu nói trong kinh Pháp Hoa: “Niệm sức Quán Âm ấy, sóng không nhận chìm được!”
Chuyện còn kể tại sao chiếc thuyền đánh cá ấy lại đến cứu được anh? Đó là sự cảm ứng không thể nghĩ bàn của Bồ Tát Quán Thế Âm. Người ngư phủ đến cứu anh hôm đó vốn không muốn ra biển vì có dòng nước lạnh chảy đến, sóng to gió lớn, có thể nói toàn bộ ngư dân đều nghỉ ở nhà không ai ra biển. Nhưng hôm ấy lại rất lạ kỳ, cái lư hương mà gia đình ngư phủ ấy dùng để cúng Phật, bỗng nhiên lại “phát lư”, tức là lửa bốc cháy trong lư hương, bà vợ của ông không biết chuyện gì, bèn giục chồng phải ra biển. Ông thật không vui vẻ, nói: “Hôm nay có dòng nước lạnh, không ai ra biển, sao lại bảo tôi ra biển chứ? Bà đâu phải là người ham tiền, mà hôm nay sao lại xúi giục như thế?”. Sau đó, người ngư phủ nổi giận, lớn tiếng với vợ, rồi ra biển. Khi ra đến biển thấy có người giữa biển, anh vốn tưởng đấy là một con cá, anh ghé thuyền đến xem, mới biết đó là người đang gặp nạn, cứu người ấy rồi đưa về y viện ở Giai Lý.
Bác sĩ khám anh, ngoại trừ tròng mắt rất đỏ, đỏ như củ cà rốt thì không có gì khác thường, anh cũng không cảm thấy có gì khó chịu. Chúng ta thử nghĩ, mười mấy tiếng đồng hồ trôi nổi sóng lớn, mắt lại thấy từng người bạn chết đi, không lương thực, không nước uống, sóng biển lạnh lẽo, không ai cứu viện, trời lại tối, thế mà có thể sống quay về, thật kỳ lạ biết bao nhiêu. Các bác sĩ cũng cảm thấy không thể nghĩ bàn được. Người ta đến nơi tắm nước biển, ngâm trong nước nửa ngày thì da đã bị lột, thế mà anh thì không sao, anh tự cảm thấy đó là sự cảm ứng không thể nghĩ bàn do niệm Quán Thế Âm. Đặc biệt là khi được trở về nhà, anh kể chuyện lại cho A Thanh nghe, lại còn khích lệ A Thanh.
Mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn, tôi tự hỏi:
“Phải chăng bạn bị rơi xuống biển giữa mùa đông giá lạnh, bốn bề không có người, tình huống thê lương như thế?”
“Có bị trôi nổi giữa sóng lớn, hết thức ăn, bi thảm như thế chăng?”.
Đâu có! Vị bằng hữu kia vốn chưa hề niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, chỉ mới phát tâm niệm lần thứ nhất trong đời mà còn nổi được lâu như thế, lại không chút bị thương tổn, cũng không cảm thấy thống khổ, thậm chí cũng không cảm thấy lâu như thế. Trong tình huống bi thảm như thế, anh một lòng chân thành, Phật lực bồi đắp cho anh, khiến thân tâm anh được an nhiên, lại sắp đặt người đến cứu anh. Bạn lại không gặp hoàn cảnh bi thảm như thế, không lẽ Phật lực lớn lao thế kia, lại không thể phù hộ cho thân tâm bạn được an nhiên?
Tôi lại tự hỏi:
“Không lẽ bạn học Phật lâu như thế, mà sức tin lại không bằng anh ấy?”
“Không lẽ sự cảm ứng giữa bạn và Phật, Bồ Tát lại không được như anh ấy?”
“Ngàn sông có nước ngàn sông trăng! Không lẽ Bồ Tát không luôn ở bên bạn?”
“Không lẽ sức của Đức Phật không làm sung mãn được thân tâm bạn?”
Nghĩ như thế, tôi càng có tín tâm gấp bội, vui vẻ mà niệm Phật. Cái gọi là hoàn cảnh khó khăn, một khi bạn không sợ nó, không bận tâm tới nó thì nó cũng không tồn tại, nó tiêu mất đi. Sự khó khăn của chúng ta so với anh bạn kia, thật ra không nghiêm trọng như thế, có điều chúng ta không có nhất tâm thành khẩn niệm Phật, không giống như anh ấy khi anh ấy bị té rơi xuống biển khơi.
LikeShow more reactions
Comment

No comments:

Post a Comment