Thursday, June 2, 2016

ROBẺRT FRANK


 Font Size:     |  
Rô-bớt Phranh (Robert Frank) năm nay đã ngoài 90 tuổi. Kiểu chụp ảnh của tôi lỗi thời rồi, qua lâu rồi! - Phranh nói với phóng viên tờ The Guardian(Người bảo vệ), với giọng điệu được mô tả là không hề có dấu hiệu gì của sự nuối tiếc - "Bây giờ ảnh ọt nhiều quá rồi. Bội thực. Như một cơn lũ quét qua và làm ta phải tự hỏi, tại sao phải nhớ lại điều gì nhỉ ?".
Kẻ ngoài cuộc
Phranh không muốn nhớ, và luôn thích làm một kẻ lãng mạn vô danh. Nhưng, không thể tưởng tượng rằng nhiếp ảnh hiện đại sẽ ra sao nếu không có những bức ảnh của ông.
Năm 1955, Phranh 31 tuổi, căng tràn nhựa sống và máu phiêu lưu, đã dấn thân vào một chuyến đi sau này sẽ trở thành lịch sử: Ông thuyết phục được bảo tàng Gúc-gơ-hem (Guggenheim) tài trợ cho mình cùng vợ và hai con đi xuyên nước Mỹ, rồi mang về 28 nghìn bức ảnh. Năm 1958, Nhà xuất bản Robert Delpire tập hợp 83 bức ảnh đen trắng trong một quyển sách ảnh có tên Những người Mỹ (Les Americains). Một năm sau, Nhà xuất bản Grove Press đã cho ra mắt The Americans, phiên bản của cuốn sách này, ở Hoa Kỳ, và cho đến bây giờ, đó vẫn được xem là cuốn sách ảnh có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX.
Giép-phơ Uôn (Jeff Wall), một trong những người định hình nhiếp ảnh nghệ thuật đương đại và hiện là tác giả của một trong bảy bức ảnh đắt nhất thế giới, kể: "Tôi có một cuốn The Americanskhi còn bé. Thực tế là hồi ấy, tôi luôn cố vẽ lại những bức ảnh mình có, nhưng với những bức ảnh của Frank và Walker Evans (một tay máy huyền thoại đầy nổi loạn khác đầu thế kỷ XX), tôi không có cửa làm thế. Những gì họ tạo ra, tôi chưa từng thấy và tôi không nghĩ rằng ai đó có thể bắt chước. Họ đóng vào lịch sử một cây đinh mà không ai có thể nhổ được. Đó là thứ nhận thức vĩ đại mà tôi không thể dò được lối đi theo".
E. Rơ-sa (Ed Ruscha), một họa sĩ và nhiếp ảnh gia người Mỹ vĩ đại khác, cũng cảm nhận tương tự: "Được xem The Americanstrong một hiệu sách ở trường đại học là một trải nghiệm khiến mặt đất run rẩy dưới chân tôi. Tôi nhận ra rằng những gì ông ấy làm được là không thể sao chép hay bắt chước theo bất kỳ cách nào, vì ông ấy tạo ra nó, rồi khâu vào cơ thể mình và mang về nhà. Tôi đành phải tìm một lối đi của riêng mình!".
The Americansthách thức tất cả những quy tắc nhiếp ảnh được đặt ra bở H.C.Brơ-xông (Henri Cartier-Bresson) và Ê-van (Walker Evans) - những nghệ sĩ nhiếp ảnh mà Phranh ngưỡng mộ, nhưng chẳng noi theo. Khiêu khích hơn, nó giống như một đòn knock-out thẳng vào mặt những tạp chí ảnh theo trường phái phiêu lưu và lãng mạn bấy giờ của nước Mỹ: "Tôi đã quá mệt mỏi với chủ nghĩa lãng mạn" -Phranh nói. "Tôi chỉ muốn phác họa lại những gì tôi đã thấy, một cách thật đơn giản, và tinh khiết".
Người tạo ra tranh cãi
Nhưng cũng phải nhiều năm sau, người Mỹ mới chấp nhận những bức ảnh của Phranh. Đơn giản, trong đó là những gì mà họ không muốn thấy. Một nước Mỹ hiện ra trong bóng tối, hiện thực mà cũng đầy ẩn ý, cô đơn và đầy hoài nghi. Phranh chụp những gì bị mô tả là nông cạn trong trung tâm cuộc sống của nhiều người Mỹ. Ông phản ánh khoảng cách một trời một vực giữa "giấc mơ Mỹ" và thực tế hằng ngày. Những tay phê bình nhiếp ảnh bấy giờ, trong một cảm xúc hỗn độn của sự khinh miệt và phẫn nộ, cáo buộc Phranh là một kẻ chống nước Mỹ và chống lại cả nghệ thuật nhiếp ảnh. Một bài viết đăng trên tờ Practical Photographybấy giờ đánh giá rằng cuốn sách ảnh của ông là "vô nghĩa, thiển cận, trần trụi, ngập ngụa bùn đất, với những góc nhìn nửa say nửa tỉnh và nhìn chung là rất tùy tiện".
The Americans không chỉ thách thức các quan niệm của giới nhiếp ảnh, mà còn chống lại cái tâm lý "tự yêu mình" rất thường tình của con người. Cuốn sách mở ra những góc khuất mà người Mỹ không thể hoặc không muốn nhìn thấy: Sự u buồn, khắc khổ và chia rẽ, thay vì một bản hùng ca - sản phẩm của sự tô vẽ và tuyên truyền. Như lời giới thiệu nổi tiếng của Ke-ru-ác (Jack Kerouac): Phranh đã "rút ruột ra một bài thơ buồn thảm từ nước Mỹ".
Phranh luôn luôn "một mình một đường", từ tính khí cho đến các sản phẩm nghệ thuật. Sinh ra và lớn lên ở Du-rích (Zurich), ông được đào tạo như một tay máy chuyên chụp cho các studio thương mại. Phranh rời bỏ gia đình sung túc của mình vào năm 1947, vì quá mệt mỏi với "sự nhỏ bé của Thụy Sĩ". Tại Niu Oóc (New York), ông kiếm được một công việc ở tòa soạn danh tiếng Harper's Bazaar, nhưng khối lượng dồn dập của một tạp chí thời trang đã khiến ông cảm thấy nhàm chán. Ông quyết định sang Nam Mỹ, làm đủ mọi nghề để sống và chỉ chụp các thị trấn, làng mạc ở Bô-livi-a (Bolivia) hay Pê-ru (Peru).
Những cuộc hành trình làm ông lớn lên, và những người bạn ven đường là những người thầy lớn. Tay máy huyền thoại U.Ê-van thậm chí cũng từng cảm thấy khó chịu về sự quảng giao của Phranh: "Tại sao anh lại chơi với những người này, Rô-bớt? Họ chẳng có đẳng cấp gì cả".
Ê-van đang ám chỉ Kê-ru-ác và A.Gin-xbớc (Allen Ginsberg), những người mà từ họ, Phranh nhìn ra một nước Mỹ rất khác với những gì người ta hay nói bấy giờ. Ảnh hưởng của họ sẽ thấm sâu vào cách làm việc của Phranh sau này, như một loại virus.
Nỗi đau tinh khiết
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Phranh sau đó được sản sinh trong bi kịch. Năm 1974, con gái ông, An-đrê-a (Andrea), qua đời ở tuổi 20 trong một tai nạn máy bay. 20 năm sau, anh trai cô là Pa-blô (Pablo) cũng tự sát sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tâm thần phân liệt. Trong một bức ảnh ghép dàn dựng năm 1978, Phranh chụp một cánh tay cầm một con búp bê đang chao đảo, phía trước là nền trời bão tố ảm đạm ở khung hình phía trên; và một tấm gương phản chiếu sự trống rỗng tựa trên cửa sổ ở khung hình phía dưới. Ấn tượng mạnh mẽ nhất là dòng chữ Sick of Goodby's (Phát ốm với những sự chia ly) được bôi bằng máu. Tất cả hòng nhấn mạnh một cảm xúc duy nhất: Sự đau đớn vì mất mát, không gì hơn.
Phranh kể rằng sau cái chết của con gái mình, công việc của ông đã "chuyển từ phản ánh những gì tôi nhìn thấy sang phản ánh những gì tôi cảm thấy". Ông bảo: "Tôi đã hủy rất nhiều bức ảnh. Tôi không tin vào vẻ đẹp của nhiếp ảnh nữa".
Nhưng nhiếp ảnh thì rõ ràng là không thể quên ông, dù lúc nào Phranh cũng muốn trốn tránh hào quang và ôm lấy nỗi đau riêng. Một nỗi đau "tinh khiết", như bình luận của The Guardian. Như những bức ảnh bất hủ của ông, mà mỗi người có thể soi vào đó và nhìn thấy một khía cạnh khác của chính mình. Có thể là những gì đau đớn và không muốn thấy, nhưng cũng không thể chối bỏ...
BAN CẦM

No comments:

Post a Comment